Ngày 21/12, FPT Software – đơn vị chuyển cung cấp dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) đã chính thức cán cột mốc 1 tỷ USD doanh thu.
Nhân sự kiện này, thành viên sáng lập, thành viên chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ông Đỗ Cao Bảo đã chia sẻ lại những hồi ức về thời “Khi thiên lập địa”, khai sinh ra FPT Software:
Tự sự về 1 tỷ dollar và giấc mơ lãng mạn
Vâng, đã nói, đã viết nhiều lần và đã tin chắc rằng nhất định năm 2023 này FPT Software sẽ đạt 1 tỷ dollar doanh số, thế mà hôm nay, ngày mà FPT Software chính thức cán đích, tôi vẫn thấy xốn xang trong lòng, một tiếng reo vui như bật ra từ trong sâu thẳm con tim.
Vâng, rất tuyệt vời, một cái mốc ấn tượng nhất và đáng nhớ nhất trong lịch sử của FPT Software và tất nhiên của cả FPT. Quá vui vì FPT Software đã vượt qua một đỉnh núi đầu tiên để sẵn sàng leo tiếp lên những đỉnh núi mới cao hơn nữa.
Giờ phút này tôi nhớ đến một ngày mùa thu cách đây 25 năm 3 tháng, tại hội nghị chiến lược FPT 1998 ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Nguyễn Thành Nam đã trình bầy báo cáo có tiêu đề “xuất hay là chết”, một định hướng chiến lược tiến ra nước ngoài, đã làm cho gần 50 tướng lĩnh FPT, dù đã dày dặn trận mạc vẫn không khỏi ngỡ ngàng; đột phá quá, táo bạo quá, khó quá, nhưng cũng đầy chất thơ và lãng mạn, vì vậy mà Thành Nam mới dùng câu “xuất hay là chết”, còn anh Trương Gia Bình thì đề ra quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng xuất cho được phần mềm” và sau đó chúng tôi đặt tên cho hội nghị đó là HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG.
Giờ phút này tôi nhớ lại hình ảnh anh Trương Gia Bình cầm cây bút màu xanh, nắm nót viết lên góc cao bên trái cái bảng màu trắng con số 500.000 USD cho đề xuất đầu tiên về tiền đầu tư cho xuất khẩu phần mềm và anh Bình tiếp tục viết lên góc cao bên phải dòng chữ 1.000.000 USD theo đề xuất của tôi (nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như chữ màu đỏ). Cả hội trường lặng im, vì thời ấy toàn bộ doanh số phần mềm trong nước chỉ vẻn vẹn có 400.000 USD, 1 triệu dollar có nghĩa là bằng doanh số 2,5 năm của phần mềm trong nước (nên nhớ là doanh số chứ không phải lợi nhuận), tất cả nhìn sang anh Lê Quang Tiến, PTGĐ, CFO FPT, người nắm tay hòm chìa khoá của FPT, và sau khi Lê Quang Tiến gật đầu, hội nghị đã thông qua việc đầu tư cho xuất khẩu phần mềm 1 triệu USD.
Sau hội nghị Diên Hồng, đầu năm 1999, FPT Software được thành lập, 16 thành viên đầu tiên được lấy từ bộ phận phần mềm trong nước, ngay sau đó anh Trương Gia Bình tiến hành tuyển cán bộ kinh doanh cho FPT Software, chúng tôi gọi là tuyển “phi công vũ trụ”, bởi tiêu chuẩn đặt ra cao quá “tố chất kinh doanh tốt; giỏi tiếng Anh; giỏi công nghệ, đặc biệt là phần mềm; có trải nghiệm sống, làm việc hoặc học tập ở nước ngoài, ở Âu Mỹ càng tốt; khả năng giao tiếp và trình bày tốt; có khả năng sống tự lập”. Trong số 5 phi công vũ trụ được tuyền đợt ấy, có 2 người đã song hành và thành công cùng FPT Software là Hoang Viet Anh – Hoàng Việt Anh (cựu CEO FPT Software, chủ tịch FPT Telecom) và Bui Hoang Tung – Bùi Hoàng Tùng (cựu CEO FPT Software USA, CEO Rikkeisoft USA).
Giờ phút này tôi nhớ đến những buổi lễ hùng tráng ở sân FPT 89 Láng Hạ, lễ tiễn “Chinh Tây Đại nguyên soái (Hùng Henry cùng các cộng sự lên đường sang Mỹ)” và tiễn 3 thầy trò Khúc Trung Kiên Khuc Trung Kien, Bùi Hồng Liên và Phạm Minh Tuấn Pham Minh Tuan lên đường sang Ấn Độ thỉnh kinh (học Ấn Độ về xuất khẩu phần mềm). Lễ “Chinh Tây” được tổ chức theo mô tip trao gươm và ấn trong Tam Quốc, còn lễ “thỉnh kinh” thì được tổ chức theo mô tip thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh trong Tây Du Ký.
Giờ phút này tôi nhớ đến những ngày đầu sang Mỹ, đại tướng tiên phong chinh Tây Henry Hùng và Hồng Sơn phải ăn mì gói, ngủ giường tầng, phải nhờ cả cô cắt tóc người Việt ở Cali giới thiệu khách hàng và một anh chủ nhà hàng người Việt đã ưu ái ký một hợp đồng quản lý chuỗi nhà hàng của chính mình (hình như trị giá 2.500 USD). Nhớ cả hôm Hùng Henry hốt hoảng gửi bản copy một bài báo tiếng Việt ở Cali với tiêu đề “Việt cộng đã sang Mỹ làm phần mềm rồi”.
Đạt 1 tỷ dollar doanh số, FPT Software đã chính thức trở thành công ty phần mềm Đông Nam Á đầu tiên cán mức doanh số 1 tỷ dollar, lọt vào top 50 công ty phần mềm lớn nhất thế giới, còn FPT Japan thì là công ty phần mềm lớn thứ 26 Nhật Bản. Từ 1 triệu dollar đầu tư, đến thời điểm này FPT Software đã thu về cho FPT và cho đất nước 5,07 tỷ dollar, cao gấp 5070 lần số tiền đầu tư. Đúng là một giấc mơ rất lãng mạng nhưng rất tuyệt vời.
Có rất nhiều người thành đạt kể rằng “khó khăn nhất là kiếm ra một triệu dollar đầu tiên, sau đó thì việc kiếm ra thêm một vài triệu dollar nữa không còn khó nữa”, FPT Software cũng vậy, khó nhất là kiếm được một tỷ dollar đầu tiên.
Giờ đây người FPT bắt đầu hướng đến những cái mốc lớn hơn: 2 tỷ, 3 tỷ và 5 tỷ dollar doanh số, nhưng thay vì phải đợi chờ 25 năm thì giờ đây chỉ cần có 3 năm cho cái mốc 2 tỷ dollar, 5 năm cho cái mốc 3 tỷ dollar và 7-8 năm có cái mốc 5 tỷ dollar.
Thời điểm này, nếu có mơ đến con số 10 tỷ, 15 tỷ dollar doanh số thì cũng không hề táo bạo, khó khăn và lãng mạn bằng giấc mơ xuất khẩu phần mềm của 25 năm trước. Có lẽ giờ đây FPT phải mơ đến một giấc mơ khác táo bạo hơn và lãng mạn.
Ông Hoàng Nam Tiến khoe FPT Software chính thức cán mốc 1 tỷ USD doanh thu, Fsoft Japan lọt top 30 công ty IT lớn nhất Nhật Bản
Theo chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của ông Hoàng Nam Tiến, buổi sáng ngày 21/12 FPT Software – đơn vị chuyển cung cấp dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) đã chính thức cán cột mốc 1 tỷ USD doanh thu. Ông Hoàng Nam Tiến cũng cho biết rất ít các công ty Việt Nam có thể đạt được cột mốc này khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Đây là một mục tiêu đã được các lãnh đạo FPT đặt ra kể từ đầu năm. Năm 2022, doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài của tập đoàn này đạt 18.935 tỷ đồng tăng hơn 30% so với năm 2021. Mảng này cũng đã trở thành một động lực tăng trưởng chính cho FPT, thậm chí có nhiều người coi là “nhàm chán” khi đều đặn ghi nhận mức tăng trên 20% qua từng quý.
Ông Tiến cho biết, cùng mốc này, Fsoft Japan vượt mốc doanh thu 50 tỷ yên Nhật, lọt vào top 30 công ty IT lớn nhất Nhật Bản với 2900 nhân viên – trong đó có 700 người Nhật và văn phòng phủ khắp 11 thành phố lớn nhất nước Nhật.
Vào năm 2023, FPT Software đã có những bước tiến vượt bậc trong việc mở rộng sự hiện diện và trên toàn cầu để mang lại sự chuyển đổi kỹ thuật số thành công cho khách hàng, thể hiện rõ qua mối quan hệ đối tác chiến lược với một số công ty hàng đầu trong ngành, bao gồm SAP, Microsoft, AWS, Salesforce và Adobe.
Là một phần trong chiến lược mở rộng toàn cầu của FPT, công ty cũng tiến hành M&A một loạt công ty tại nước ngoài như Landing AI , Intertec International , Cardinal Peak và AOSIS để nâng cao năng lực và hỗ trợ chặt chẽ hơn cho khách hàng ở thị trường nước ngoài.
Ông Tiến cũng chia sẻ những bức ảnh vui vẻ về các “đời” lãnh đạo của FPT Software. Trong đó, chủ tịch thời 10 triệu USD là ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch thời 100 triệu USD là ông Hoàng Nam Tiến và Chủ tịch 1 tỷ USD là bà Chu Thanh Hà.
Các CEO qua các thời kỳ: ông Nguyễn Thành Lâm (CEO thời 100, 200 triệu USD), Hoàng Việt Anh (CEO thời 300, 400 triệu USD) và ông Phạm Minh Tuấn (CEO 500 triệu và 1 tỷ USD).
Trong ngày 14/12 vừa qua, FPT đã công bố thành lập công ty FPT Automotive có trụ sở tại Texas, Mỹ nhằm chinh phục thị trường phần mềm ô tô quy mô hàng trăm tỷ USD. FPT Automotive đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô thế giới trị giá 1 tỷ USD vào năm 2030.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo FPT hững năm gần đây, phần mềm đóng vai trò ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển ngày một vượt trội của các dòng xe hơi nói riêng, và công nghiệp ngành ô tô nói chung. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt, gia tăng trải nghiệm người dùng và giúp nhà sản xuất có thêm doanh thu, lợi nhuận.
FPT Automotive cung cấp dịch vụ toàn diện tới các khách hàng gồm công nghệ giải trí, thông tin trong xe, đơn vị điều khiển điện tử (ECU), chức năng an toàn, an ninh, thiết kế UI/UX cho ô tô, kết nối không dây và kỹ thuật số. Trung tâm của các dịch vụ này là các sản phẩm MaaZ, AUTOSAR độc quyền cho các giải pháp ECU, mà công ty đã phát triển và đạt nhiều thành tựu với khách hàng.
FPT Software qua các mốc lịch sử
Năm 1999: Tháng 6, khai trương Trung tâm Phần mềm Chiến lược số 1 (FSU1) từ 13 cán bộ của FSS. Giám đốc Trung tâm là Nguyễn Thành Nam, các Phó giám đốc là Nguyễn Khắc Thành và Nguyễn Lâm Phương. Trụ sở tại 23 Láng Hạ (toà nhà City Flower). FSU1 sau này được đổi tên thành FPT Software.
Tiền thân của FPT Software là Trung tâm Phần mềm Chiến lược số 1 (FSU1), giám đốc là anh Nguyễn Thành Nam (áo len đang đứng phát biểu).
Năm 2000: Tháng 3, FPT Software ký hợp đồng OSDC (Trung tâm phát triển phần mềm cho khách hàng) đầu tiên với khách hàng Harvey Nash, tiền thân của G1 (Trung tâm Sản xuất phần mềm số 1). Sau 6 tháng, dự án đầu tiên với OSDC cho khách hàng Proximus (Bỉ) được khởi động với danh sách 9 người chính thức.
Đội dự án cho khách hàng Proximus – Bỉ.
Năm 2001: FPT Software chuyển hướng sang thị trường Nhật. Sau chuyến Đông du cuối năm 2000 của anh Nam và anh Trương Gia Bình với sự cố vấn và thu xếp của vị Giám đốc Sumitomo cho gặp các công ty hàng đầu Nhật Bản, FPT Software đã có hợp đồng đầu tiên với NTT-IT.
Thành lập OSDC đầu tiên với khách hàng Nhật Bản NTT-IT.
Năm 2002: Tháng 3, chiến dịch CMM-4 thành công sau gần một năm triển khai, FPT Software trở thành công ty đầu tiên tại Đông Nam Á đạt CMM-4, lọt vào danh sách danh 100 công ty hàng đầu thế giới về Quản lý chất lượng, đồng nghĩa với việc FPT giành tấm giấy thông hành hạng nhất để lọt vào thị trường lớn phần mềm thế giới.
Anh Lê Thế Hùng (Hùng “Râu”) là chỉ huy trực tiếp chiến dịch CMM-4.
Năm 2003: Tháng 9, FPT Software giành giải toàn đoàn cả trong Hội thao và Hội diễn Văn nghệ 13/9. Lần đầu tiên Hội thao FPT có môn Diễu hành và FPT Software trở thành đội đầu tiên đoạt Huy chương Vàng ở môn thi này.
Đội diễu hành của FPT Software chụp ảnh kỷ niệm tại sân Quán Thánh.
Năm 2004: Tháng 4, FPT Software tổ chức lễ khai trương chi nhánh tại TP HCM.
Anh Nguyễn Thành Nam và Hoàng Minh Châu (từ trái sang) hát mừng chi nhánh HCM.
Năm 2005: Tháng 8, FPT Software tổ chức lễ khai trương chi nhánh tại TP Đà Nẵng.
Lễ khai trương Chi nhánh FPT Software tại TP Đà Nẵng được tổ chức long trọng Tòa nhà Ngân hàng Đông Á, đường Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng.
Năm 2006: Tháng 5, FPT Software đạt tiêu chuẩn CMMi mức 5, đưa FPT vào danh sách 150 công ty và tổ chức trên toàn thế giới được Viện Công nghệ phần mềm Mỹ (SEI) công nhận hệ thống quy trình sản xuất phần mềm đạt mức cao nhất trong mô hình trưởng thành về năng lực sản xuất phần mềm.
Đội dự án CMMi của FPT Software chụp ảnh cùng chuyên gia thẩm định người Ấn Độ.
Năm 2007: Ngày 13/3, chi nhánh thứ 2 của FPT Software tại nước ngoài được thành lập – Công ty TNHH Phần mềm FPT châu Á – Thái Bình Dương (FAP) do FPT Software sở hữu 100% vốn. Sự kiện thu hút gần 100 quan chức chính phủ hai nước và khách hàng của hai công ty.
Ngày 13/3/2007, FPT Software Asia Pacific chính thức được khai trương tại Singapore, đánh dấu một bước tiếp của FPT Software và FPT trên con đường Toàn cầu hóa. Trong thời gian đầu thành lập, nhân sự FAP có 5 người: Hoàng Việt Anh, Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Hoài Anh, Trần Thanh Hoài, Lê Hoài Vân.
Năm 2008: FPT Software hoàn thành một bước của toàn cầu hoá, có mặt tại tất cả các thị trường dự kiến: Nhật, Singapore, châu Âu, Mỹ, Australia, Malaysia.
FPT Software Europe (FEU) là trụ sở đầu tiên của Tập đoàn FPT tại châu Âu khai trương vào ngày 13/6/2008. Dịch vụ thế mạnh của công ty FEU dự định tung vào thị trường châu Âu là mảng công nghệ New Technologies (J2EE, .NET, Oracle); công nghệ nhúng; dịch vụ nghiên cứu và phát triển (R&D). Các khách hàng lớn nhắm đến như: Renault, BNP Paribas, Neopost, Hitachi Europe.
Năm 2009: Kỷ niệm sinh nhật FPT Software 10 năm, một loạt hoạt động thể thao, văn hóa, từ thiện diễn ra trên cả ba miền FPT Software: Giải bóng đá FPT Software World Cup với sự tham gia của 3 miền trong nước và các chi nhánh nước ngoài tại Đà Nẵng; Lễ Vinh danh 108 Anh hùng FPT Software tại Hà Nội; Phát động chương trình Xổ số Lucky Draw quyên tiền xây nhà từ thiện cho 2 hộ nghèo ở miền Trung…
Giải bóng đá FPT Software World Cup tại sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng.
Năm 2010: Tháng 1, khánh thành tòa nhà FPT Đà Nẵng – tòa nhà đầu tiên do FPT Software sở hữu và là tòa nhà thứ hai của Tập đoàn FPT (sau FPT Cầu Giấy, Hà Nội).
Ngày 11/1/2010, tòa nhà FPT Đà Nẵng tại Khu Công nghiệp Massda chính thức được khánh thành. Đây là tòa nhà sở hữu đầu tiên của Tập đoàn FPT tại Đà Nẵng.
Năm 2011: Tháng 8, FPT Software tổ chức sự kiện STCo Night. Đây là hoạt động văn nghệ lớn nhất lần đầu tiên có sự tham gia của tất cả công ty thành viên ở cả ba miền.
Hội diễn STCo Night do FPT Software tổ chức với sự tham dự của 9 bang phái đã diễn ra vào tối 25/8, tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Năm 2012: Ra mắt Ban lãnh đạo mới của FPT Software. Công ty tái cấu trúc mô hình quản lý theo các FSU. FPT Software trở lại tốc độ tăng trưởng hơn 30%.
Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến ra mắt toàn thể công ty tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.