(Dân trí) – Không chỉ có mùi thơm mát khi vừa chín tới, quả thị cũng có hương vị thơm ngon nếu biết cách ăn. Đồng thời, nó cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Thị (Diospyros decandra) là một loại cây ăn quả nhiệt đới thuộc họ Thị (Ebenaceae). Đây là loại quả quen thuộc gắn với đời thực và cả văn hóa dân gian, thường được trồng ở chốn linh thiêng như chùa.
Quả thị có mùi thơm mát khi vừa chín tới, trong vỏ quả chứa lượng nhỏ tinh dầu mùi. Hương thơm của thị có tác dụng trấn tĩnh, thư giãn, giảm căng thẳng thần kinh.
Đến khi quả đã chín rục, mềm nhũn và chuyển sang màu vàng sẫm thì mùi thơm giảm nhiều. Nhiều người thường để quả thị chín tới trong phòng cho thơm và đợi đến khi chín mềm thì mới ăn, quả thị có vị ngọt, chát nhẹ.
Tiến sĩ – Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, nếu biết cách ăn, chúng ta cũng có thể cảm nhận được hương vị thơm ngon của quả thị. Cách ăn quả thị như sau xoay quả và bóp nhẹ cho đến khi thịt quả mềm, nứt ra một khe nhỏ thì cho lên miệng hút.
Các loài thuộc chi Diospyros có các công dụng đa dạng bao gồm ăn quả, lấy gỗ quý và làm cảnh. Các bộ phận thực vật của nhiều loài đã được sử dụng làm phương thuốc trong các phương pháp chữa bệnh dân gian khác nhau như điều trị xuất huyết, tiểu không kiểm soát, mất ngủ, nấc cụt, tiêu chảy…
Các hoạt tính sinh học của các loại cây này bao gồm tính chống oxy hóa, chống viêm, giảm đau, hạ sốt, chống tiểu đường, kháng khuẩn, tẩy giun sán, hạ huyết áp, làm đẹp, ức chế enzym…
TS Giang cho biết thêm, nghiên cứu năm 2011 của các nhà khoa học Thái Lan cho thấy quả thị (Diospyros decandra Lour.) thể hiện hàm lượng cao nhất của tổng số hợp chất phenolic (215mg GAE/g) và tổng hàm lượng flavonoid (187mgRE/g) trong số 19 loại trái cây được nghiên cứu.
Flavonoid là một trong những hoạt chất tự nhiên có mặt rộng rãi nhất trong thực vật và là phân nhóm quan trọng trong các hợp chất phenol. Flavonoid có nhiều tác dụng như chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, chống dị ứng và chống lão hóa.
Theo tài liệu Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện Dược liệu), thịt quả thị có chứa 86,5% nước; 0,16% chất béo; 0,67% chất protein; 12% glucid; 0,33% tanin; 0,47% cellulose; 0,5% tro. Tanin trong quả thị thuộc loại pyrocatechic.
Theo y học cổ truyền, thịt quả thị có tác dụng trừ giun, an thần. Vỏ quả tiêu độc, tiêu viêm. Lá thị hạ khí, gây trung tiện, tiêu viêm, giảm đau.
Thịt quả thị được dùng để an thần và tẩy giun (nhất là giun kim) ở trẻ em, hàng ngày ăn 2-3 quả. Vỏ quả thị phơi khô, đốt thành than tán bột mịn, hòa với dầu nền (dầu vừng, dầu dừa, dầu hạnh nhân…) dùng để bôi ngoài da chữa rộp da do giời leo…
Ngoài quả thị ra, lá, vỏ cây, rễ cây cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh trong dân gian để cầm nôn ói, giảm đau, tiêu viêm, trị mụn nhọt, vết thương, vết bỏng, dị ứng, phù thũng…
Những lưu ý khi ăn thị
Thị là loại quả tốt cho sức khỏe nhưng chúng ta cũng cần lưu ý một số điều khi ăn. Bạn chỉ ăn quả thị đã chín mềm, không nên ăn quả xanh và quả chưa chín kỹ bởi hàm lượng tanin cao trong thị chưa chín sẽ tạo vị chát khó ăn.
“Không những thế, khi ăn vào có thể bị săn se niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột, thậm chí còn vón lại tạo thành khối ở trong đường tiêu hóa có thể gây bán tắc ruột hoặc tắc ruột. Ngoài ra, không nên ăn thị lúc đói, đặc biệt là thị chưa chín, sẽ ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hóa”, TS Giang nói.
Các bộ phận khác của cây thị như lá, vỏ thân, rễ, vỏ quả, hạt thị tuy có những tác dụng dược lý nhưng cũng có độc tính và có thể gây tác dụng không mong muốn nếu sử dụng không đúng cách. Bởi vậy, chúng ta không nên tự ý sử dụng, nên hỏi ý kiến và sự hướng dẫn của thầy thuốc.