(Dân trí) – Nhận thấy ốc bươu đen khan hiếm ở môi trường tự nhiên, anh Lộc vay vốn đầu tư nuôi. Lứa đầu tiên, chàng trai trẻ thu về gần 130 triệu đồng, lứa thứ 2 dự kiến thu về gần 250 triệu đồng.
Lê Văn Lộc (29 tuổi) sinh ra và lớn lên ở thôn Bộc Nguyên, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Năm 2022, anh nhận thấy ốc bươu đen có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều người ưa chuộng. Song, con vật này ngày càng khan hiếm ngoài môi trường tự nhiên như ao hồ, ruộng nước ngọt.
Sau thời gian lên mạng internet tìm hiểu và tham quan, học hỏi các mô hình nuôi ốc bươu đen, chàng trai trẻ đã quyết định khởi nghiệp.
Ban đầu, anh Lộc mua 1 vạn con ốc giống thả xuống hồ của anh trai nuôi thử nghiệm. 4 tháng sau, anh nhận thấy loài động vật thân mềm này nuôi khá dễ dàng.
Vì thế, nam thanh niên đã quyết định thuê gần 3.000m2 đất ruộng thấp trũng, bỏ hoang giữa cánh đồng của thôn để nuôi ốc. Khu vực này lại nằm cạnh mương dẫn nước sạch từ hồ Kẻ Gỗ.
“Đây là điều kiện rất lý tưởng vì nuôi ốc bươu đen rất cần nguồn nước sạch và thay nước thường xuyên”, chàng trai lý giải.
Anh Lộc cũng tiến hành cải tạo bề mặt và xây dựng hệ thống nuôi đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Sau khi hoàn thiện hồ nuôi, anh Lộc chia diện tích làm 3 ao. Lứa đầu tiên, anh thả 4 vạn con ốc giống nhập từ Hà Nội. Tổng chi phí đầu tư ban đầu anh Lộc bỏ ra là hơn 100 triệu đồng.
Để tiết kiệm chi phí thức ăn, trên bờ ao, anh trồng nhiều cây đu đủ. Theo chàng trai trẻ, ngoài mít chín, đu đủ chín là loại trái cây ốc thích ăn nhất, giúp con vật lớn nhanh và sinh sản lượng trứng nhiều.
Ngoài ra, anh còn trồng thêm hoa súng, các loại rong và thả bèo để vừa làm nơi ẩn nấp, vừa cung cấp thức ăn tự nhiên cho ốc. Mùa hè nhiệt độ cao, anh Lộc che lưới để hạn chế ánh nắng.
“Sau hơn một năm, tôi xuất bán được hơn 1 tấn ốc thương phẩm và hơn 35 vạn ốc giống. Tôi thu về gần 130 triệu đồng, có lãi”, anh Lộc chia sẻ.
Vụ này, anh Lộc tiếp tục thả thêm 4 vạn ốc giống. Ốc đang thích nghi và phát triển tốt, sẽ cho thu hoạch vào khoảng 2-3 tháng tới, với sản lượng hơn 3 tấn.
Với giá ốc khoảng 80.000 đồng/kg, anh dự kiến thu về gần 250 triệu đồng.
Cũng theo chàng trai 29 tuổi, mùa lạnh, ốc thường vùi trong đất như trạng thái ngủ đông, không ăn.
“Nuôi ốc bươu đen khá nhàn rỗi. Tôi có thời gian tranh thủ để đi làm thêm nghề mộc ở địa phương. Mô hình này cũng không cần đầu tư nhiều vốn nhưng mang lại thu nhập hơn làm lúa, xuất lứa nào thương lái đến tận nơi mua hết”, anh Lộc chia sẻ thêm.
Thời gian tới, anh Lộc dự định sẽ mở rộng và nhập thêm ốc bươu giống Thái Lan về nuôi.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Nguyễn Văn Hoàng, Bí thư Đoàn xã Cẩm Thạch cho biết, anh Lê Văn Lộc sinh ra, lớn lên ở nông thôn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Dù vậy, anh Lộc đã vượt khó, ham học hỏi, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào mô hình nuôi ốc bươu đen.
“Bước đầu, mô hình kinh tế này đã mang lại hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đồng hành, hỗ trợ anh Lộc trong việc mở rộng mô hình”, anh Hoàng nói.