(Sandotot.shop) – Nằm giữa khu đô thị mới ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, căn nhà mang tên gọi “Cái tổ ngói” trở thành điểm nhấn nổi bật khác hẳn những công trình xung quanh.
Ngói vốn là vật liệu rất phổ biến trong các công trình kiến trúc của người Việt. Từ loại vật liệu quen thuộc này, sau khi thảo luận cùng chủ nhà, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà lên ý tưởng và đề xuất để thiết kế công trình mang tên “Cái tổ ngói” nằm giữa khu đô thị mới ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Tọa lạc giữa khu đất có tổng diện tích 300m2, công trình xây trên mặt sàn 150m2 với đặc điểm không vuông vức, xung quanh nhiều phần trống. Đây là nhà ở của gia đình gồm 4 thành viên.
Theo nhận định của nhóm kiến trúc sư, ngôi nhà nằm trên khu đất tiềm ẩn nhiều khả năng có những ngôi mộ ở sâu dưới lòng đất (do gần nghĩa trang trước đây), nên trước khi xây dựng cần xúc lớp đất cũ để giải quyết giả thiết này.
Tiếp đó, tận dụng khoảng trống của hố sâu, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà cùng cộng sự muốn tạo ra một không gian đặc trưng với địa điểm và khai thác được năng lượng địa nhiệt.
Xung quanh nhà đều không có các công trình che chắn nên phía tây nam và đông nam bị ảnh hưởng nắng chiếu trực diện, khiến thời gian nóng bức trong ngày bị kéo dài. Nhằm giải quyết vấn đề này, giải pháp được nhóm kiến trúc sư đưa ra là tạo lớp ngói bọc ngoài ngôi nhà giúp làm mát, thông thoáng tự nhiên.
“Cái tổ ngói với ý tưởng kiến tạo không gian, là sự hòa trộn giữa cái tổ với nhiều ngóc ngách đùn lên mặt đất và ngôi nhà cổ xưa có cấu trúc âm một phần xuống lòng đất. Bản chất của cái tổ là đùn từ dưới lên trên nên chất liệu rất gần gũi với đất. Bởi vậy, ngói là vật liệu rất phù hợp trong trường hợp này”, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà lý giải.
“Lớp áo” bọc ngoài của ngôi nhà được tạo nên bằng 22.000 viên ngói. Đó là viên ngói 22 khoan lỗ, được tạo khe để xếp cố định trên hệ thép gai và dầm bê tông.
Các hệ thép có độ gấp gãy, lấy ý tưởng từ tấm chắn nắng trong những nếp nhà truyền thống. Sự kết hợp tạo nên diện mạo khác biệt cho kiến trúc với lớp vỏ có cảm giác “thủng” ở bên ngoài và nhiều khoảng trống phía trong.
Ở giữa là lớp ban công cây xanh với các độ cao khác nhau, đem lại điểm nhấn thú vị, giúp điều hòa khí hậu cho các không gian sử dụng bên trong. Những loại cây sử dụng trong nhà phần lớn đều dễ trồng, tiện chăm sóc.
Với khả năng chống nóng tốt, lớp ngói bao quanh nhà giúp giảm nhiệt độ chiếu vào trong, lưu thông gió qua các khe hở, làm mát tự nhiên.
Cấu trúc không gian ngôi nhà được thiết kế như một tác phẩm điêu khắc nên toàn bộ thiết bị nội thất được định hướng đơn giản cả về chất liệu và kiểu dáng. Qua đó giúp xóa mờ ranh giới giữa không gian bên trong và ngoài.
Người đứng đầu nhóm thiết kế cho biết, đây là giải pháp chưa từng có tiền lệ nên suốt gần 2 năm theo đuổi công trình, đội thi công rất may mắn khi được chủ nhà thấu hiểu, đồng cảm và quyết đoán. Hai bên cùng nhau tập trung, nỗ lực phối hợp từ khi thiết kế tới lúc tạo ra mẫu thử chi tiết và hoàn thiện thi công.
Trước ý kiến nhận định cách thiết kế này khiến những gờ ngói bị bám bụi sẽ rất khó vệ sinh, kiến trúc sư cho rằng đây không phải là vấn đề bởi hàng triệu ngôi nhà trên khắp Việt Nam vẫn dùng nhiều loại ngói cho công trình của mình.
“Quan trọng là cần sống có trách nhiệm với môi trường nhằm giảm thiểu bụi ô nhiễm qua chính hành động và thái độ sống của mỗi cá nhân”, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà nêu quan điểm.
Chi phí thiết kế, thi công không được tiết lộ.
Thiết kế: H&P Architects
Nhóm thiết kế: Đoàn Thanh Hà và cộng sự