(Dân trí) – Từng là điều dưỡng tại một bệnh viện ở Đà Nẵng, anh Dũng quyết định nghỉ việc để nuôi “vàng đen” ao nhà, ấp ủ xây dựng một thương hiệu ốc bươu tại địa phương.
Ném cả lượng vàng xuống ao
Anh Trần Văn Dũng (38 tuổi, trú xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) từng tốt nghiệp Trường Trung cấp Y – Dược (nay là Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng), sau đó làm điều dưỡng ở Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng.
Vài năm về trước, anh Dũng nhận thấy loài ốc bươu vàng gây hại nghiêm trọng cho cây trồng, trong khi đó, ốc bươu đen truyền thống đang ít đi.
“Sao mình không thử nuôi loài đặc sản này?”, anh Dũng đặt câu hỏi và bắt đầu mày mò tìm hiểu về cách nuôi loài thủy sản này.
Năm 2019, anh quyết định thôi việc ngành y, về nhà vay vốn, làm bể nuôi ốc. Những ngày đầu, anh lặn lội khắp nơi để tìm hiểu thêm kỹ thuật nuôi ốc trong bể lót bạt. Lứa đầu tiên xuất bán, anh thu lãi vài chục triệu đồng.
Quá “ham”, nên trong đợt thả giống tiếp theo, anh quyết định nuôi nhiều hơn. Nhưng rồi cũng chính sự “ham” đó khiến anh nhận trái đắng khi ốc chết hàng loạt, do mật độ ốc trong ao quá dày.
Sau lần trắng tay đó, anh không bỏ cuộc mà lại mày mò tìm hiểu mô hình nuôi ốc trong ao đất tự nhiên.
Anh Dũng thuê 3 ao đất ở cách nhà hơn 4km, bỏ ra hàng lượng vàng (khoảng hơn 100 triệu đồng) để đầu tư thiết lập hệ sinh thái mới. Ao cũ được anh nạo vét, bổ sung khoáng, sau đó cho nước vào để xử lý và nuôi rêu để giúp lọc nước, thêm nguồn thức ăn cho ốc.
Anh còn lặn lội vớt bèo, trồng hoa súng, làm giàn trồng mướp để tạo mái che tự nhiên và chủ động được nguồn thức ăn cho ốc. Mỗi ao anh thả 180.000 con giống, vì ở xa nên anh cũng lắp camera để giám sát mọi nơi mọi lúc.
Ban đầu, một số người không hiểu chuyện lại chê bai anh làm chuyện “chẳng đâu vào đâu”, bỏ việc rồi bỏ cả khoản tiền lớn để nuôi ốc. Thế nhưng sau 3 tháng, ốc trưởng thành, xuất bán thu lãi cao, ai cũng ngỡ ngàng mê tít với những con to tròn, béo tốt.
Gần một năm qua, các ao nuôi của anh Dũng đã ổn định, bình quân 3 tháng, anh xuất bán hàng tấn ốc, thu về hàng trăm triệu đồng. Số tiền này, được quay vòng đầu tư vào các ao nuôi, dự định mở rộng quy mô lên 1ha.
Nắng cười tươi, mưa lo sốt vó
Trò chuyện một lúc, người đàn ông nước da cháy nắng lại rảo quanh ao, thi thoảng nhặt vài con ốc đang bám vào rễ bèo để kiểm tra. “Nếu ốc có vấn đề phải xử lý ngay, chứ để ảnh hưởng đến cả ao, không cứu được đâu”, anh Dũng phân trần.
Theo anh Dũng, để nuôi thành công loài ốc này, người nuôi phải có mắt “nhìn nước” để kiểm soát được nồng độ pH, cũng như xem nguồn nước có bị ô nhiễm hay không.
Anh Dũng tận dụng nguồn nước từ kênh, mương thủy lợi chảy từ hồ Đồng Xanh, Đồng Nghệ ở huyện Hòa Vang nên anh phải canh không cho nước vào hồ khi nông dân phun thuốc trừ sâu cho lúa, chỉ cần “ẩu” một phút là sẽ trắng tay.
“Người nuôi ốc nhìn mưa lớn là lo sốt vó, đứng ngồi không yên”, anh Dũng bộc bạch và cho hay sau cơn mưa lịch sử tháng 10/2022 tại Đà Nẵng, nước lớn tràn bờ, 2/3 ốc trong ao của anh bò ra ngoài, số còn lại chết dần vì môi trường nước thay đổi pH đột ngột.
Anh Dũng cho rằng, nuôi ốc bươu đen trong bể bạt có lợi nhuận nhưng rất ít vì chi phí cao, còn nuôi trong ao đất dễ hơn, chu kỳ sinh trưởng khoảng 3 tháng là xuất bán. Nếu muốn giữ làm con giống thì nuôi kéo dài thêm 2-3 tháng nữa để ốc đạt kích cỡ lớn.
Thức ăn của ốc rất dễ tìm kiếm trong môi trường tự nhiên như bèo cám, bèo tấm, rau xanh, lá sắn, lục bình, ổi, mướp… Ốc thường được cho ăn 1 lần/ngày để tránh lượng thức ăn dư thừa khiến nước ô nhiễm. Với 180.000 con giống hiện tại, mỗi ngày anh Dũng tốn hơn 50kg thức ăn.
“Nghề nuôi ốc tuy dễ nhưng không hề nhàn nhã”, anh Dũng thổ lộ và giải thích muốn ốc ngon phải chăm sóc tỉ mỉ, chăm chút từ ao. Và quan trọng là tự chủ được nguồn thức ăn ngon, sạch thì ốc thu hoạch mới chất lượng.
Với mô hình nuôi ốc bươu đen phát triển ổn định, anh Dũng luôn là “bạn hàng” với các thương lái trong và ngoài địa phương. Ốc được anh xuất bán với giá 70.000-80.000 đồng/kg. Anh còn bán trứng và giống cho các hộ nuôi khác.
Về lâu dài, anh Dũng ấp ủ việc xây dựng thương hiệu ốc sạch riêng, gồm các sản phẩm ốc bươu đen sạch, chả ốc và ốc gác bếp. Với những sản phẩm này, anh kỳ vọng sẽ kết nối để đưa vào các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch tại địa phương và trong vùng.