“Ông bầu” Đoàn Nguyên Đức khẳng định mô hình kinh doanh chủ lực là “hai cây – một con” (trồng chuối – sầu riêng và nuôi lợn) với tình hình như hiện nay đến năm 2024 sẽ mang lại lợi nhuận không dưới 2.000 tỷ/năm.
Sầu riêng cho tỷ suất lợi nhuận 400%…
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh tháng 8 với doanh thu mảng trái cây gần gấp đôi mảng chăn nuôi.
Theo đó, doanh thu thuần trong tháng 8 của HAG ước đạt 660 tỷ đồng. Trong đó, cây ăn trái đóng góp 338 tỷ đồng, chăn nuôi mang về 182 tỷ đồng và 140 tỷ đồng đến từ ngành phụ trợ.
Về sản lượng trong tháng 8, HAGL tiêu thụ được 32.584 con lợn thịt và 30.900 tấn chuối. Song, sản lượng chuối xuất khẩu và chuối dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi không được công bố chi tiết như các báo cáo trước đó. Thông tin về kết quả kinh doanh và sản lượng các mặt hàng tháng 7 cũng không được doanh nghiệp này công bố.
Công ty không công bố lợi nhuận. Theo HAGL, thuận theo ý kiến cổ đông, HAGL sẽ cập nhật lợi nhuận định kỳ theo quý.
Hồi tháng 8, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAGL thông tin, các hoạt động thí điểm trồng rau củ, nuôi “gà đi bộ” không có nhiều hiệu quả nên HAGL sẽ ngưng các mảng này, chỉ tập trung vào ba trụ cột gồm lợn, chuối và sầu riêng (“một con, hai cây”).
Ông Đức cũng cho biết, HAGL hiện có khoảng 7.000ha chuối, 1.200ha sầu riêng, 600.000 heo, 1.000ha trái cây khác. Với sầu riêng, 700ha đã trồng đến năm thứ 4 và năm thứ 5, tức cuối năm 2024 có thể thu hoạch.
Riêng năm nay HAGL thu 3 vườn khoảng 1.000 tấn, tương đương 80ha. Trong bối cảnh giá sầu riêng cao như giai đoạn hiện nay, dự tính mặt hàng này sẽ mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn trong tập đoàn trong thời gian tới.
Về mặt hàng chuối, HAGL cũng cho biết, dự kiến doanh thu và sản lượng chuối của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh vào quý IV/2023.
Công thức “2 cây – 1 con” của bầu Đức
Tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra hồi tháng 8 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAGL khẳng định HAGL đã tìm thấy hướng đi chủ đạo trong kinh doanh, không còn cảnh “nuôi con này bỏ con kia hay trồng cây này chặt cây kia” nữa.
HAGL đã từng đầu tư vào trồng cao su, cọ dầu, rau củ quả, chanh dây… Mỗi loại cây trồng, HAGL chỉ duy trì được vài năm rồi lại tiếp tục chuyển hướng khác. Tương tự, với chăn nuôi HAGL cũng thất bại với nuôi bò. Cho đến thời điểm này, ông Đoàn Nguyên Đức lạc quan và cho rằng HAGL đã đi đúng hướng khi chọn “2 cây – 1 con” (chuối, sầu riêng và lợn) để phát triển.
Đến nay, HAGL đã xây dựng và cơ bản hoàn thiện mô hình “2 cây – 1 con” này. Các sản phẩm đều vừa hướng đến thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Rõ ràng, HAGL nhận thấy nuôi “gà đi bộ”, trồng rau củ quả ở phía Bắc Tây Nguyên không thể mang lại hiệu quả kinh tế bằng trồng chuối, sầu riêng và nuôi lợn.
Theo ông Đức, đến nay HAGL đã có lãi 1 triệu đồng mỗi con lợn. Giá chuối hiện ở mức 10,5 USD/thùng. Chuối của HAGL đã xuất khẩu tốt sang Trung Quốc. Chỉ riêng tháng 7, HAGL lãi 115 tỷ đồng nhờ lợn và chuối.
Với sầu riêng, lợi nhuận năm nay đã rõ như nêu ở trên. Năm 2024, HAGL dự kiến lợi nhuận từ sầu riêng có thể còn vượt cả chuối. Trong tương lai giá trị lớn nhất của HAGL sẽ là vườn sầu riêng.
Theo ông Đức, đến nay HAGL đã có lãi 1 triệu đồng mỗi con lợn.
Được biết, trong nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của HAGL đạt 3.144,9 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giảm 26%, đạt 385,2 tỷ đồng. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 382,3 tỷ đồng.
Kiểm toán đưa ra ý kiến nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn là hơn 2.959,4 tỷ đồng, và nợ ngắn hạn của HAGL đã vượt quá tài sản ngắn hạn so với số tiền là 2.004 tỷ đồng. Các điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo HAG cho biết Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.
Đến hiện tại, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAGL vẫn khẳng định con đường kinh doanh chủ lực là “hai cây – một con”: Trồng chuối – sầu riêng và nuôi lợn, và với tình hình kinh doanh khả quan như hiện nay thì đến năm 2024, lợi nhuận của HAGL sẽ không dưới 2.000 tỷ/năm.
Thực tế, xét về triển vọng kinh doanh, HAGL được nhận định là doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ việc nhu cầu tiêu thụ trái cây của Trung Quốc ngày càng tăng.
Sau khi Nghị định thư về xuất khẩu chuối giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký hồi tháng 11/2022, xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023, lần lượt tăng 40% về mặt khối lượng và 23% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện HAGL là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chuối hàng đầu tại Việt Nam và thị trường Trung Quốc chiếm 80 – 90% sản lượng chuối xuất khẩu của tập đoàn này.
Tháng 5 vừa qua HAGL đã lập công ty liên kết bên Trung Quốc, trong đó HAGL nắm 50% vốn (đối tác Trung Quốc nắm 50% vốn). Nếu xưa kia HAGL bán chuối sỉ theo đường nhập khẩu, định kỳ lên sàn đấu giá… thì nay HAGL đã có thể đưa thẳng chuối có thương hiệu vào các kênh siêu thị.
Được biết, đối tác liên kết của HAGL là một công ty chuyên ủ chuối và đưa vào kênh siêu thị. Lợi thế của công ty này là có sẵn đầu mối bán lẻ. Thương hiệu chuối HAGL bán lẻ sang Trung Quốc là Pleiku Sweet (chuối siêu ngọt Pleiku), được đóng gói theo quy cách Nhật với số lượng nhỏ khoảng 3-4 trái.
Theo HAGL, kênh tiêu thụ này giúp sản phẩm của công ty ổn định giá hơn trước. Hiện sản lượng xuất vào khoảng 100 container/tháng, dự kiến sắp tới sẽ tăng lên vì “bán bao nhiêu họ ăn hết bấy nhiêu”.
Về sầu riêng, với 1.200 ha sầu riêng giống Musang King và Mong Thong Thái tại Việt Nam và Lào, HAGL hiện là doanh nghiệp có vườn sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á. Trong đó, diện tích sầu riêng tại Lào chiếm 80%. Năm 2024, sầu riêng được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho doanh thu của HAGL khi 50% diện tích sẽ cho trái.
Trước lo ngại về khả năng sầu riêng có thể bị mất giá hoặc bị cạnh tranh với Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, ông Đoàn Nguyên Đức đánh giá nhu cầu trường đang rất lớn. Hiện, nguồn cung sầu riêng của các nước Đông Nam Á cho thị trường Trung Quốc mới đáp ứng được khoảng 10% dân số nước này, nên không quá lo ngại.
Sầu riêng tươi tại Trung Quốc đang được bán với giá hơn 10 USD/kg, cao hơn đáng kể so với mức trung bình khoảng 6 USD/kg tại các nước Đông Nam Á. Với 1.200 ha sầu riêng giống Musang King và Mong Thong Thái tại Việt Nam và Lào, Hoàng Anh Gia Lai hiện là doanh nghiệp có vườn sầu riêng lớn nhất Đông Nam Á. Trong đó, diện tích sầu riêng tại Lào chiếm 80%.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức, mặc dù doanh thu từ sầu riêng chưa lớn so với quy mô do mới chỉ có một phần diện tích canh tác cho trái nhưng tỷ suất lợi nhuận của cây sâu riêng cao vượt trội so với các mảng kinh doanh khác, lên tới mức 400%. Năm 2024, sầu riêng được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai khi 50% diện tích sẽ cho trái.
Xét về triển vọng kinh doanh, HAGL được nhận định là doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ việc nhu cầu tiêu thụ trái cây của Trung Quốc ngày càng tăng, đặc biệt là sầu riêng.