Cuộc đời truân chuyên của nữ doanh nhân giàu có đã phá thành Hà Nội, ngoài câu chuyện về phận má hồng, ba chìm bảy nổi vẫn không được hạnh phúc, cô Tư Hồng còn mang đến hình ảnh một nữ doanh nhân sắc sảo trên thương trường.
Điểm lại lịch sử thương mại Việt Nam có một số phụ nữ nổi lên như những doanh nhân thực thụ. Bản thân họ cũng là một hiện tượng được báo chí đương thời đề cập rất nhiều.
Mặc dù hình ảnh phụ nữ làm thương mại được cụ Tú Xương ngợi ca là “Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng” nhưng thực tế thương mại chỉ là nghề tay trái do phụ nữ đảm nhiệm với các hình thức nhỏ lẻ kiểu buôn đầu chợ, bán cuối chợ. Vì thế, doanh nhân nữ trở nên cực kỳ hiếm hoi.
Điểm lại lịch sử thương mại Việt Nam có một số phụ nữ nổi lên như những doanh nhân thực thụ. Bản thân họ cũng là một hiện tượng được báo chí đương thời đề cập rất nhiều.
Đề cập đến một nhân vật nữ gây nhiều tranh cãi nhất cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Người đàn bà đã lấy Tàu, lấy Tây, rồi kết hôn với linh mục phá giới, phá thành Hà Nội, mua danh cầu vị… nhưng tiểu thuyết lịch sử Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất (Trung Bắc Thư xã xuất bản lần đầu 1941, NXB Văn học, 2015) lại không bàn đến công tội của người phụ nữ này, mà gợi mở cho người đọc những suy nghĩ khác nhau.
Tác giả đã dẫn dắt độc giả đi theo cuộc đời truân chuyên, thăng trầm của cô Tư Hồng như một kiếp “hồng nhan bạc phận”, nhưng chưa từng khuất phục trước số mệnh, luôn cố gắng, chèo chống, thích nghi, vượt lên nghịch cảnh của số phận.
Thậm chí, cô Tư Hồng còn liều lĩnh, đáo để, nổi loạn, bất chấp định kiến đương thời, để đi tìm hạnh phúc cho mình.
Sớm lưu lạc, nếm mùi cay đắng từ thuở bé
Cô Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan, sinh ngày 07/02 năm Kỷ Tỵ (1869), là con bác Phó nghèo kiết xác ở làng Thành Thị, Hà Nam. Lan mồ côi mẹ từ năm lên 3 tuổi, phải sống với mẹ kế (là người cháu gái của mẹ đẻ). Do hoàn cảnh khó khăn, sống chật vật, nên gia đình bác Phó phải tha phương cầu thực nay đây mai đó, nhưng nghèo đói vẫn bám riết không buông. Sau nhiều năm lưu lạc, gia đình bác Phó đến ngụ ở Kim Sơn (Ninh Bình).
Năm Lan 20 tuổi, gia đình bác Phó mong mỏi chuyện nhân duyên cho con gái. Khốn nỗi địa vị dở dang, gia đình không một tấc đất cắm dùi, cao không tới, thấp không thông. Một lần gánh rượu đi bán, Lan lọt vào mắt xanh của Chánh tổng Kim Sơn. Ông này ngoài 40 tuổi, góa vợ được vài năm, con cái phương trưởng cả, có tính nay vợ nọ, mai hầu kia.
Dần dà, Chánh tổng Kim Sơn cậy mai mối sang dạm hỏi Lan làm kế thất. Gia đình bác Phó nghèo không một tấc đất cắm dùi, bỗng được một ông Chánh tổng giàu nhất vùng muốn lấy con gái mình, còn gì vẻ vang bằng, nên bác Phó đồng ý ngay.
Nhưng Thị Lan nhất định không muốn lấy quan lớn. Thị nghĩ, mình đương son trẻ thế này lại phải lấy lão Chánh tổng ngoại tứ tuần, “tóc bạc, má hồng” không thể tương dung, phối hiệp với nhau.
Có ngồi trên đống bạc cũng không sung sướng gì. Lũ chị em xấu bụng sẽ bàn tán thị phi đủ điều. Họ chê cười cô vì tham lam vàng bạc, bán rẻ xuân xanh… Lan đã trái ý cha, trốn ra thành Nam Định, sau đó lưu lạc ra Hải Phòng khởi đầu của một đời ngang dọc.
“Tay trắng làm nên nghiệp lớn, má hồng trang điểm phấn son vua”
Ra Hải Phòng, Lan xin vào làm việc cho bà chủ hiệu rượu Phát Lộc, còn gọi là “thím Tài”. Bà này thường dẫn dắt gái quê lên, nuôi dưỡng, sau gả cho khách người Hoa kiếm lời. Ở với thím Tài khoảng 3 năm, Lan được thím Tài mai mối lấy chú Hồng người Hoa, chủ tiệm Bình An. Nhờ cuộc hôn nhân này, thím đã kiếm được một khoản tiền lớn, còn Lan có chồng và trở thành “thím Hồng”, chủ tiệm Bình An.
Lấy chú Hồng, Thị Lan từ cô gái quê nghèo khổ bước lên ngay địa vị phú quý phong lưu, một bà chủ hiệu. Đó cũng là cách cô bước chân vào con đường buôn bán, sau đó từng bước tiếp cận với những thủ đoạn kinh doanh để “tay trắng làm nên cơ nghiệp lớn”.
Từ ngày có thím Hồng, cửa hiệu Bình An ngày càng phát tài. Thím Hồng đảm đang, tinh quái, thấy một biết mười, khéo tính toán lợi hại giúp chồng. Thế nhưng, kể từ ngày thím Hồng sinh ốm (sau lần về cố hương tìm gia đình nhưng không thấy), chú Hồng đâm ra chơi bời, không coi sóc hiệu, dẫn đến phá sản, phải bỏ trốn về nước.
Sau 5 năm chìm nổi, ở tuổi 28, thím Hồng lại “mình trần tay không” như 5 năm trước. Không cam chịu số phận, thím quyết định lên Hà Nội để làm lại từ đầu.
Qua cô Ba Lai vích (một me tây, trước xuống phục vụ chồng ở Hải Phòng, thi thoảng có lui cửa tiệm Bình An), mối lái, chỉ đường dẫn lối, năm 1895, thím Hồng lấy quan Tư Garlan và có cái tên Tư Hồng từ đó.
Nhờ khéo ăn ở và chiều chuộng chồng, nên hàng tháng cô Tư Hồng được chồng cho một khoản tiền lớn. Cô khéo dành dụm, buôn bán, sau vài năm tậu được ngôi nhà gạch ở phố Hàng Dầu tạo nên cơ đồ độc lập.
Khác với các me tây khác, cô Tư vốn chịu thương chịu khó, lại học được mánh khóe doanh thương trục lợi của chú Hồng. Số phận lại đưa cô lên Hà Nội là thương trường rộng lớn hơn, thêm gặp gỡ, nhờ vả được ông chồng có địa vị, nên cô Tư lấy đó làm cơ hội để mở cửa hàng kinh doanh, thu lợi cho mình. Không một cuộc bao thầu buôn bán nào là cô không chú ý xem xét.
Năm 1888, thi hành chương trình mở mang xây dựng Thủ đô xứ Đông Pháp, chính quyền thuộc địa cho đấu thầu phá thành Hà Nội. Giới thầu Bắc cạnh tranh nhau, nhưng gói thầu ấy lại lọt vào tay cô Tư Hồng. Để sắp đặt công việc, cô tậu một căn nhà ở phố Hàng Da để làm đại bản doanh đốc thúc thầy thợ. Ông Phó cựu (sau nhiều năm cha con thất lạc, cô tìm được bố, đón về ở cùng) cũng góp sức vào việc này.
Bằng đầu óc tính toán và lợi dụng, vừa dọn thành xưa vừa xây nhà mình, vẫn lo tậu đất làm nhà, Sau 3 năm việc phá thành, cô mua xây một dãy phố ở Cửa Đông Géneral- Bichot, lại thêm một dãy khác 8 căn ở phố Hàng Da.
Năm 1902, quan Tư Garlan về Pháp, cô Tư một mình buôn bán làm ăn. Thành công nối tiếp thành công, cô mở rộng kinh doanh lúa gạo ngô, kinh doanh cả dịch vụ đi tàu bằng đường thủy.
Trong hai năm 1902-1903, ba tỉnh Trung kỳ mất mùa, thóc gạo khan hiếm nên bán được giá. Đầu năm 1904, Cô Tư chở đầy một thuyền gạo vào Huế để bán thủ lợi. Nhưng ở thời điểm đó, Chính phủ bảo hộ cấm nạn buôn bán đầu cơ, để loại trừ nạn “thóc cao gạo kém” cho dân.
Linh tính mách bảo, cô Tư nói ngay là mang gạo vào phát chẩn cho dân. Nhờ “tấm lòng” này, cô Tư được triều đình ân thưởng 4 chữ “Lạc quyên nghĩa phụ” và sắc phong cho làm “Chánh ngũ phẩm nghi dân”. Nhờ thế địa vị của cô Tư ngày càng lên cao giữa đất ngàn năm văn vật.
Năm 1906, cô lại tậu thêm được dãy nhà ở phố Richaud, lại làm xong tòa nhà lộng lẫy ở Hội Vũ, công việc buôn bán ngày càng phát đạt. Sau rất nhiều thành công cô mua cho ông Phó chức đặc cách Hàm Hàn lâm viện thị độc, lấy vợ cho anh chồng cũ là chú Hồng, cô đã gặp lại người đàn ông này tại Hải Phòng vào năm 1906.
Khi ngoài 40 tuổi, dù má hồng “phôi pha”, nhưng bất chấp dư luận thị phi, cô kết hôn với một linh mục phá giới. Cuộc đời cô bắt đầu đi xuống từ đây.
Sau khi bị người đời tẩy chay, vợ chồng cô Tư phải dắt nhau đi Cao Miên để đầu tư xưởng nấu rượu. Từ 1916-1918, xưởng rượu kinh doanh chật vật phải chuyển nhượng cho người khác với giá rẻ. Tiếp đó, hai vợ chồng chuyển về Sài Gòn kinh doanh hàng Bắc trên phố Catinat, nhưng gặp đúng vận đen nên thua lỗ.
Năm 1921, cô Tư ở Sài Gòn ra Hà Nội và ốm liệt giường. Dù trên giường bệnh nhưng cô vẫn làm mọi cách để làm thất bại âm mưu chiếm sản nghiệp của chồng. Cô mất khi mới 53 tuổi, không có người con nào dù 3 đời chồng. Trước khi mất, cô được làm lễ rửa tội ăn năn với Chúa, hiến một mảnh đất giá trị khoảng 2 vạn đồng cúng vào nhà Chung, làm thủ tục chia tài sản cho em và các cháu.
Chuyện chưa kể về nữ doanh nhân giàu có bậc nhất Hà Nội đầu thế kỷ 20
Báo chí ở Hà Nội một thời từng đưa tin rất nhiều về người phụ nữ làm khuynh đảo thị trường Bắc Kỳ những năm đầu thế kỉ XIX: Trần Thị Lan. Sau năm 1888, Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa, hàng loạt phố phường của Hà Nội bị thay bằng các tên Pháp.
Song, cái tên phố Richaud (Quán Sứ) lại được báo chí và nhiều người Hà Nội biết đến với tòa 2 biệt thự của 2 nhà thầu giàu có vào loại bậc nhất thời bấy giờ: Doanh nhân Nguyễn Huy Quang và Trần Thị Lan (Tư Hồng).
Sống cách nay hơn 100 năm nhưng chưa người phụ nữ nào của Hà Nội thời nhượng địa lại xuất hiện nhiều, được tranh cãi khi luận bình công tội như Tư Hồng. Người khen cho rằng Tư Hồng là tấm gương điển hình của phụ nữ cấp tiến, dám vượt lên số phận, bước qua lời nguyền, dấn thân vào xã hội phong kiến nửa thực dân làm chủ cuộc đời mình và nắm bắt thời cơ làm ăn mà trở thành tư sản lớn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến chê bai về việc 2-3 lần sang ngang của Tư Hồng và không khỏi bình luận cay nghiệt với việc làm ăn của bà.
Sinh năm 1868, xuất thân là cô gái quê ở Hà Nam, gia cảnh bị bần cùng, Trần Thị Lan bị cha ép gả cho lý trưởng làm lẽ vào năm 17 tuổi. Không cam chịu, cô trốn ra Nam Định làm thuê và lấy một người bán bún xáo trâu.
Cuộc đời xô đẩy, cô lại làm lẽ một Hoa kiều ở Hải Phòng, từ đây Lan được gọi là thím Hồng (theo tên chồng). Một trận đòn ghen oan nghiệt đã khiến cô bị sẩy thai. Khi công việc xuất khẩu gạo của Hoa kiều Hồng thua lỗ, người thương lái này bỏ về nước, thím Hồng ở lại Hải Phòng sinh kế một mình, sau đó theo bạn bè về Hà Nội. Tại đây, cô học tiếng Pháp để giao du với người Tây, nhanh chóng bắt kịp tư duy và lối sống của thành phố.
Sau đó, Trần Thị Lan trở thành vợ của quan Tư Laglan, tên Tư Hồng bắt đầu từ đó. Laglan trở thành cầu nối để Tư Hồng làm quen với thương trường, mở rộng giao du với giới làm ăn và quan chức trong hệ thống chính quyền thuộc địa.
Với trí tuệ sắc xảo, biết tận dụng quan hệ và vai trò của chồng, năm 1892, người phụ nữ An Nam nhỏ bé đó đã lên tòa đốc lý xin thành lập Công ty thầu An Nam và trúng thầu một số dự án cung cấp thực phẩm cho quân đội và các nhà tù ở Bắc Kỳ. Doanh nghiệp phát triển, Tư Hồng lấn sang lĩnh vực vận tải sông, biển. Dự án lớn nhất mà công ty của Tư Hồng trúng thầu, cũng là dự án khiến bà chịu nhiều thi phi khắp xứ An Nam là dự án phá tường thành Hà Nội.
Với quyết định của hội đồng thị chính ngày 28/7/1893, dự án phá tường đã được Toàn quyền Đông Dương Lanessan ký với Công ty Bazin của Pháp. Nhưng Bazin bán lại gói thầu, nhiều công ty lớn tham gia đấu thầu dự án này nhưng đều thua Tư Hồng.
Cô Tư thắng thầu với mẹo bỏ giá thấp nhất. Việc Tư Hồng vượt mặt nhiều thầu khoán có tiềm lực đã gây xôn xao dư luận Bắc thành thời bấy giờ. Với trí thông minh, tài tháo vát, hiểu rõ tình hình lao động của Bắc kỳ, Tư Hồng đã triển khai thành công dự án này một cách ngoạn mục.
Bà về tận Hà Nam thuê nông dân; trực tiếp vào làng rèn Hòe Thị (Xuân Phương, Từ Liêm) đặt làm búa chim, xà beng; thuê Nguyễn Quang Minh làm xe cút kít; thuê Bạch Thái Bưởi dựng lán trại cho phu ở…
Với cách tổ chức khoa học, giám sát tốt lao động, tránh được lãng phí, Tư Hồng khởi công dự án năm 1894 nhưng chỉ hơn 2 năm sau, dự án đã hoàn thành, sớm hơn thời hạn gần 6 tháng. Số vật liệu cũ tận dụng từ tường thành, Tư Hồng dùng để xây ngôi biệt thự ở ngõ Hội Vũ và dãy nhà đầu phố Quán Sứ, Hàng Da, Cửa Đông cho thuê.
Từ đây, Tư Hồng mở rộng kinh doanh xây dựng nhà ở, dinh thự, cầu cống và mở các hãng buôn lớn… Bà trở thành một tư sản cỡ lớn ở Hà Nội và bắt đầu vươn tới những quyền lực trong kinh doanh ở các ngành như thầu khoán, vận tải thủy, cung cấp thực phẩm, buôn bán lúa gạo…
Tư Hồng phất lên nhanh chóng với những thương vụ làm ăn thành công vang dội và trở thành người phụ nữ có “máu mặt” nhất trên thương trường khi ấy. Tư Hồng cũng dành khá nhiều tài sản vào việc làm từ thiện cho dân nghèo và nhóm tù nhân của Bắc Thành. Bà còn nhiều lần xoay sở, tìm cách can thiệp để giảm án cho các tù nhân.
Bất cứ nơi nào trong nước bị mất mùa, bão lụt, bà đều cho chở gạo, ngô đến phát cứu tế với số lượng lớn. Hành động đó của Tư Hồng đã động đến triều đình, cô được vua nhà Nguyễn tặng cho 4 chữ “Tiết hạnh khả phong”.
Về sau, do Tư Hồng trở nên quá mạnh, có ảnh hưởng nhiều trong giới tư bản dân tộc, cộng với việc bà can thiệp vào nhiều vụ xin giảm án cho tù nhân mà bị chính quyền thuộc địa chú ý và dùng nhiều thủ đoạn cô lập, chèn ép, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
Doanh nghiệp của Tư Hồng vì thế sa sút. Không rõ bà mất năm nào, trong hoàn cảnh nào, người Hà Nội chỉ lưu truyền là mộ cô Tư Hồng gần cổng chùa Hai Bà Trưng, bia mộ vẻn vẹn có ba chữ “Cô Tư Hồng”.
Giàu có bậc nhất Hà Nội đầu thế kỷ XX nhưng bà Tư Hồng ra đi một cách lặng lẽ và gần như không để lại gì ngoài tấm hình chụp thời oanh liệt nhất được lưu tại bảo tàng Albert Kahn (Pháp). Hơn 100 năm đi qua, nhân vật Tư Hồng vẫn gợi lên nhiều bàn luận.
Lịch sử đã khép lại, quan điểm về kinh tế tư nhân đã trả lại vị trí cho nhiều cá nhân tư sản trong quá khứ và nhân vật Tư Hồng cũng cần được hiểu một cách đủ đầy.
Các phê phán đối với bà đều bám vào sự kiện phá tường thành Hà Nội năm 1896 – 1897. Người viết bài này cho rằng trên thực tế triều đình nhà Nguyễn đã có chỉ dụ năm 1835 cho bạt phá tường thành, sau đó lại phá dỡ nhiều công trình trong Hoàng thành để đem vào Huế kiến thiết; tiếp tục đến đạo dụ 1888 công nhận cho Pháp toàn quyền ở Bắc Thành thì khó có thế lực nào cưỡng lại được những quyết định của chính quyền thuộc địa.
Vì thế, khi Hội đồng thị chính đã ra quyết định chính thức giao thầu cho Công ty Bazin của Pháp thì việc phá thành đã là hiện hữu.
Tư Hồng tham gia bỏ thầu cùng rất nhiều công ty khác. Do vậy việc phá thành nếu không phải công ty An Nam thì cũng thực hiện bởi công ty khác. Nhưng tại sao Tư Hồng bị chê trách nhiều đến vậy? Vấn đề ở đây người thắng thầu là một phụ nữ An Nam mà thôi! Đây là sự kiện không có tiền lệ, khi một bà chủ An Nam thắng thầu trước các đối thủ đàn ông là điều khó chấp nhận.
Mặt khác cần phải thừa nhận Tư Hồng kinh doanh trên rất nhiều lĩnh vực mà giàu có chứ không chỉ phá thành mà trở nên giàu. Việc tận dụng lại vật liệu xây dựng cũng là sản phẩm của trí tuệ, của tư duy biết tính toán và tiết kiệm chứ Tư Hồng đâu có đi cướp bóc của dân để làm giàu, vì thế lên án bà là không thỏa đáng!
Lịch sử là những gì đã qua, nhìn lại lịch sử để tìm ra những bài học cho hiện tại. Tư Hồng cũng đã là lịch sử, vì thế hãy nhìn nhận về bà như một chứng nhân của lịch sử hơn là định công kết tội!
Tổng hợp