(Dân trí) – Từ vốn khởi nghiệp 2 triệu đồng, sau 6 năm gắn bó công việc trồng nấm rơm, đến nay vợ chồng chị Linh đã có trang trại với 48 nhà trồng, mỗi ngày thu về trên 2 triệu đồng từ bán nấm.
Sau khi tốt nghiệp đại học với ngành kĩ sư nông nghiệp ở TPHCM, vợ chồng anh Lâm Thái Dương (35 tuổi) và chị Lê Hồ Thùy Linh (33 tuổi) ở lại thành phố khởi nghiệp làm sau sạch, nhưng cả 2 lần đều thất bại.
“Hồi mới ra trường năm 2013, tụi mình tự tin lắm, gom vốn làm rau sạch với mô hình trồng và chăm sóc rau hữu cơ tại nhà cho khách hàng. Kỳ vọng sẽ không tốn vốn, nhanh chóng có lời, nhưng rồi thu không bù được chi, nhiệt huyết tuổi trẻ bị thực tế tát cho tỉnh”, chị Linh vui vẻ khi nhớ lại kỷ niệm khởi nghiệp bất thành.
Thất bại “tập 1”, vợ chồng chị Linh đi làm thuê để kiếm vốn khởi nghiệp “tập 2”. Vợ chồng trẻ chọn làm thuê trong lĩnh vực nông nghiệp để trau dồi kinh nghiệm.
Gom được ít vốn, anh Dương và chị Linh tiếp tục giấc mơ rau sạch cho dân văn phòng ở TPHCM. Kế hoạch triển khai chưa được bao lâu thì anh chị đành bỏ dở vì rau bán không ai mua. Khi tiền tích trữ đã tiêu sạch, cả hai đành chấp nhận “cái tát thứ 2” của quá trình khởi nghiệp.
Cảm thấy không có duyên với thành phố, chị Linh quyết định về quê ở xã biên giới Bình Phú (Tân Hồng, Đồng Tháp). Anh Dương thì “cá theo sông, chồng theo vợ” nên cũng về theo.
Không từ bỏ giấc mơ nông nghiệp sạch, vợ chồng chị Linh xin ông bà ngoại 25 cuộn rơm để ủ nấm hữu cơ. Sau một vài sóng gió, may mắn lần này anh chị đã thu được kết quả.
Ban đầu, sợ thất bại, anh Dương không dám ủ hết số rơm trong một lần. Anh lấy 11 cuộn rơm, làm theo công thức rồi chất lên kệ tre để ủ.
“Theo sách vở thì nửa tháng là có nấm hái, nhưng trễ mấy ngày cũng chả thấy cây nấm nào. Vợ chồng buồn lắm, đổ hết chỗ rơm ra vườn. Không ngờ mấy ngày sau, ụ rơm mọc nấm tua tủa”, chị Linh kể.
Làm sai công thức nhưng có kết quả, anh Dương rút kinh nghiệm, không làm kệ mà dựng chòi ủ 14 cuộn rơm còn lại. Lần này vợ chồng trẻ thu được gần 40kg nấm, lãi hơn 2 triệu đồng.
Với số vốn ít ỏi, chị Linh chia làm 2, một nửa đưa anh Dương đi mua sắt hàn kệ, một nửa chị đi mua rơm để sản xuất vụ mới. Vì các bài học ở sách vở chưa thực sự hiệu nghiệm khi trồng nấm ở quê, anh chị đèo nhau trên con xe máy cà tàng, đi khắp các trại nấm ở miền Tây xin học thêm.
“Có những nông dân họ còn tỉ mỉ hơn kỹ sư. Họ ghi chép đầy đủ các tham số hàng ngày của nông trại. Thấy tụi mình thực sự muốn học, nhiều người không ngại tặng luôn sổ tay của họ cho mình, những kinh nghiệm đó đều rất quý”, chị Linh kể.
Làm việc nghiêm túc, kết quả cũng dần rõ ràng, số kệ nấm của vợ chồng chị Linh cứ tăng theo cấp số nhân. Rồi từ kệ nấm, anh Dương dựng nhà kính trồng nấm. Một nhà, rồi 2 nhà rồi thành 24 nhà.
“Nấm rơm trông vậy chứ rất khó chăm sóc và mẫn cảm với điều kiện sống. Nóng cũng chết, lạnh cũng chết, khô quá cũng chết mà ẩm quá cũng hỏng”, chị Linh chia sẻ.
Để sản xuất ổn định, hiệu quả, đầu năm nay, vợ chồng chị Linh quyết định bỏ vốn lớn, xây nhà kiên cố rộng 1.500m2 để trồng nấm. Khu nhà được chia thành 48 phòng, trang bị đủ giá trồng, đèn điện, quạt gió, máy sưởi, máy phun sương.
Để ngày nào cũng có hàng giao cho khách, mỗi ngày vợ chồng trẻ luân phiên vào rơm chỉ 3 phòng. Cùng lúc đó, 3 phòng trồng khác đã có nấm thu hoạch. Nắm chắc kỹ thuật, anh Dương tự tin kiểm soát sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Nấm trồng 15 ngày thì hái được, thu hoạch 3 ngày thì hết đợt một. Tùy lượng hàng khách cần, chị Linh có thể để lại chờ “ăn” nấm đợt 2 nhằm giảm chi phí, hoặc bỏ phôi cũ để vào vụ mới nhằm nâng cao sản lượng.
“Rơm đưa về phải xả độc bằng vôi, thanh trùng bằng hơi nước nhiệt độ cao rồi mới sản xuất. Nếu chạy hết công suất, mỗi năm trang trại có thể cho ra trên 30 tấn nấm.
Hiện tôi đang tìm kiếm thêm đầu ra, mới chỉ cho hoạt động một nửa số phòng trồng. 3h sáng bắt đầu cho nhân công hái nấm, để kịp giao cho khách vào phiên chợ sáng. Đều đặn mỗi ngày nông trại thu vào trên 2 triệu đồng”, chị Linh cho biết.
Hiện thành phẩm của vợ chồng chị Linh mới chỉ tiêu thụ ở các chợ trong bán kính khoảng 10km. Chị Linh đang nghiên cứu làm các sản phẩm từ nấm như nước mắm, nấm sấy thăng hoa để có thêm đầu ra và tạo giá trị gia tăng.
Bà Ngô Thị Thùy Trang (47 tuổi, tiểu thương ở chợ trung tâm huyện Tân Hồng) cho biết, nấm rơm là thực phẩm truyền thống của người dân địa phương, người ăn chay cũng ăn được nên lượng tiêu thụ khá lớn và ổn định. Mỗi ngày, một tiểu thương như bà có thể bán vài chục kg nấm với giá 100.000 đồng/kg.
“Nấm của chị Linh có quy trình trồng an toàn, rõ ràng nên tôi có thể chào bán với khách dễ hơn và có giá cao hơn mặt bằng chung, khách cũng thích mua hơn”, bà Trang chia sẻ.
Lãnh đạo huyện Tân Hồng đánh giá cao mô hình trồng nấm của vợ chồng chị Linh vì phù hợp với điều kiện địa phương. Huyện đang có chủ trương hỗ trợ trang trại xây dựng thương hiệu, đăng kí chứng nhận sản phẩm đặc trưng của địa phương.