(Dân trí) – Một ngày trải nghiệm làm ngư dân ở Đồng Tháp, du khách được đi đánh cá, mò cua, hái bông điên điển và tự tay chế biến những món ăn từ sản vật mình thu hoạch được.
Hơn một tháng nay, cánh đồng rộng 20ha của tổ hợp tác Quyết Tiến (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) đón nhiều đoàn khách du lịch đến trải nghiệm làm ngư dân mùa nước nổi. Du khách được trực tiếp giăng lưới, đặt lợp, xổ lú, để bắt những con cá đặc sản tươi ngon.
Du khách cũng tự tay hái bông súng, lục bình, điên điển hay trái cây theo ý thích. Từ những sản vật thu hoạch được, du khách cũng sẽ tự chế biến món ăn như cá lóc nướng trui, tôm nướng, gỏi bông điên điển.
Anh Nguyễn Thái Cường, một người gốc Hà Nội nhưng làm việc ở miền Tây chia sẻ: “Tôi đưa gia đình đến trải nghiệm cho biết cuộc sống miền Tây sông nước, trải nghiệm mùa nước nổi. Được tận tay đánh cá, xem cận cảnh đời sống nông dân, chúng tôi đều rất thích”.
Anh Lê Văn Vũ dù sống ở Đồng Tháp nhưng cũng chưa có cơ hội được đi đánh cá mùa nước nổi. Anh Vũ cho biết cả gia đình rất hài lòng về những trải nghiệm ở đây. Đặc biệt, qua chuyến đi các cháu nhỏ có tuổi thơ trọn vẹn hơn.
Để có được cánh đồng nước nổi đẹp, an toàn, tổ hợp tác phải chuẩn bị từ hơn một năm trước. Không chỉ xả lũ vào ruộng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, người nông dân còn phải canh tác hữu cơ để hạn chế chất hóa học trong ruộng nhằm đưa lại cho du khách trải nghiệm tốt nhất.
Cánh đồng ngập nước có diện tích hơn 170ha, tạo nên khung cảnh mênh mông.
“Từ năm ngoái chúng tôi đã canh tác hữu cơ, dùng vịt để làm cỏ lúa và bắt sâu, giúp hạn chế lượng lớn phân, thuốc hóa học dùng trong ruộng. Ruộng bắt đầu nhận lũ về từ tháng 8, cá tôm được bảo vệ gần 2 tháng.
Chúng tôi mở cửa đón khách được khoảng một tháng nay, có những đoàn 20-30 khách đến trải nghiệm và đều thích thú. Khi hết mùa nước, chúng tôi sẽ đánh bắt cá lớn và chia đều tiền lời cho các thành viên”, anh Nguyễn Trực, đại diện tổ hợp tác cho biết.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, một trong những nông dân tham gia tổ hợp tác chia sẻ, việc canh tác hữu cơ giúp ông tiết kiệm khoảng 1/3 chi phí sản xuất, lúa lại được bao tiêu với giá cao hơn thị trường. Nhờ đó mà thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể.
“Năm ngoái chúng tôi nuôi được 600 con vịt với chi phí thấp, thu được 120 triệu đồng từ tiền bán cá trong ruộng. Năm nay có nguồn thu từ du lịch nên chắc chắn hiệu quả mang lại cao hơn”, ông Tuấn cho biết.
Đại diện tổ hợp tác cho biết, chi phí cho một ngày trải nghiệm của mỗi du khách chỉ hơn 200 nghìn đồng, tạo điều kiện cho bất kỳ ai cũng dễ dàng tiếp cận. Mô hình đã đạt được hiệu quả bước đầu, chính quyền địa phương rất quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện mở rộng.