(Dân trí) – Năm 2019, khi chập chững nuôi ốc bưu đen để khởi nghiệp, anh Vinh bị “tạt gáo nước lạnh” khi thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Song với quyết tâm “dám nghĩ dám làm”, anh Vinh đã khiến nhiều người sửng sốt.
“Người khác làm được, mình cũng làm được”
Cuối năm 2018, khi đang làm nhân viên kinh doanh với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, anh Nguyễn Phú Vinh (32 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) bất ngờ nghỉ việc vì… chán.
Khi ấy, Vinh nghĩ công việc làm công ăn lương không thể phát huy tối đa khả năng bản thân. Anh muốn thử sức khởi nghiệp ngay trên chính vùng đất quê hương với những sản phẩm đậm chất miền Tây.
Thời điểm đó, nghề nuôi ốc bươu đen mới nở rộ ở nhiều tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long. Loài vật dễ nuôi, dễ sinh sản giúp không ít người giàu lên trông thấy. Nghĩ bụng “người khác làm được, mình cũng làm được”, Vinh đăng ký học thêm khóa quản trị kinh doanh để bắt đầu cho hành trình khởi nghiệp.
“Ốc bươu đen ngoài tự nhiên không còn nhiều, trái lại nhu cầu thị trường khá lớn, từ quán nhậu bình dân đến nhà hàng đều là đối tượng khách hàng tiềm năng. Thời điểm đó ở Vĩnh Long cũng ít trang trại nuôi ốc, tôi biết đây là cơ hội vàng nên nhanh chóng chớp lấy”, 9X Vĩnh Long chia sẻ.
Năm 2019, anh Vinh góp vốn cùng người bạn bắt đầu thả nuôi ốc bươu đen trên diện tích ao khoảng 2.000m2, mật độ 150 con/m2. Do thiếu kinh nghiệm, nuôi không được bao lâu thì ốc chết hàng loại, chàng trai bị lỗ cả trăm triệu đồng.
“Thất bại chỗ nào đứng lên chỗ đó, sai ở đâu sửa ở đấy thôi. Tôi tìm hiểu mới biết do trước khi thả nuôi, mình xử lý ao chưa đúng kỹ thuật khiến ốc không thể sinh trưởng”, anh Vinh kể.
Sau khi tham khảo nhiều mô hình nuôi ốc thành công, nam thanh niên bắt đầu cải tạo ao nuôi ốc với đầy đủ bông súng, bèo giống với một ao tự nhiên. Quá trình thả làm sạch ao cũng không sử dụng thuốc để ốc được sạch và nguồn nước an toàn.
“Các loại thủy sinh trong ao giúp điều tiết nguồn nước luôn sạch. Đặc biệt, lớp bèo trên mặt hồ như tấm áo che chắn cho ao nuôi, hạn chế lượng nước mưa trực tiếp đổ xuống. Nhờ vậy, độ pH trong nước ổn định giúp ốc sinh trưởng tốt, không bị sốc khi mưa nhiều”, anh Vinh nói.
Về phần thức ăn, chủ trang trại cho ốc bươu đen sử dụng thức ăn tự nhiên như trái cây hoặc các loại rau màu.
Bán trứng ốc cũng kiếm bộn tiền
Ốc từ khi thả nuôi đến thu hoạch bán thương phẩm mất khoảng 4,5 tháng, trọng lượng 30-35 con/kg; còn ốc để sinh sản mất khoảng 5-5,5 tháng. Trứng ốc khi nở thành con mất thời gian từ 13 đến 17 ngày, dưỡng ốc giống thêm 14 ngày, có thể xuất bán con giống.
Sau 4 năm đeo đuổi loài vật “siêu đẻ”, anh Vinh đã mở rộng trại ốc lên 6.000m2, chuyên cung cấp ốc bố mẹ đẻ trứng cho thị trường.
“Hiện tại, trứng ốc tôi bán 500.000 đồng/kg; ốc giống (dưới 10.000 con/kg) thì giá 250 đồng/con. Mỗi tháng, tôi có doanh thu từ 120-170 triệu đồng từ bán trứng và ốc giống”, chủ trại ốc tiết lộ.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, 9X Vĩnh Long cũng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật nuôi ốc bươu, bán ốc giống và bao tiêu ốc thương phẩm cho nông dân. Đến nay, chàng trai này đã hợp tác với khoảng 200 người cùng sản xuất, cung ứng ốc thương phẩm, trứng, con giống ra thị trường.
Đầu ra sản phẩm được anh Vinh phát triển kênh bán hàng online qua mạng xã hội. Sắp tới, anh sẽ lấn sân sang bán trên Tiktok và một số nền tảng khác để người tiêu dùng dễ tiếp cận.
Ngoài ra, từ tháng 9/2022, anh Vinh triển khai thêm mô hình ốc gác bếp từ ốc bươu đen và ốc lác. Mỗi tháng, anh cung cấp 1 tấn ốc gác bếp, giá 250.000 đồng/kg.
“Mặt hàng này dễ vận chuyển và bảo quản. Ốc gác bếp của tôi đã cung cấp nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Thời gian tới tôi sẽ đa dạng hóa sản phẩm từ ốc như ốc đông lạnh”, anh Vinh cho hay.
Chia sẻ bí quyết khởi nghiệp, chủ trang trại ốc cho biết, để nuôi ốc đạt hiệu quả, ngoài con giống chất lượng thì việc làm sạch ao nuôi, nguồn nước sẽ chiếm 70% thành công.
“Con đường khởi nghiệp chẳng bao giờ là dễ. Tôi từng thất bại, chán nản nhưng vẫn không bỏ cuộc. Nếu có quyết tâm, kiên trì và vững tin vào lựa chọn của mình thì trái ngọt sẽ đến”, anh Vinh bày tỏ.