(Sandotot.shop) – Khu nhà 5 căn của chị Huyền lọt thỏm giữa thung lũng, bao quanh bởi núi rừng, đẹp như một bức tranh khiến người xem mê mẩn.
5 năm trước, lần đầu đặt chân đến Hữu Lũng (Lạng Sơn) trong chuyến du lịch, chị Huyền (Hà Nội) “choáng ngợp” trước cảnh vật thiên nhiên hoang sơ và trữ tình. Lúc đó, chị đã có một ước mơ “táo bạo”, là được sinh sống tại đây.
5 năm sau, một ngày đầu tháng 4, người phụ nữ 36 tuổi lần đầu chia sẻ câu chuyện về khu nhà thiên nhiên lên một hội nhóm đông thành viên. Chị cũng không ngờ những câu từ, hình ảnh mộc mạc và giản đơn của mình, lại nhận được sự quan tâm “khủng” từ cộng đồng mạng.
Căn nhà “lọt thỏm” giữa thung lũng
Trong vòng 2 năm, chị Huyền nhiều lần quay lại vùng đất Hữu Lũng bởi quá yêu mến vẻ đẹp nơi này. Chị quyết định mua một mảnh đất, bắt đầu thực hiện những kế hoạch đầu tiên xây dựng “căn nhà mơ ước”. Yêu thích cảnh vật, con người và thiên nhiên, chị muốn lưu giữ tất cả làm “hồn cốt” cho căn nhà theo phong cách của người dân địa phương.
Sau 2 tháng, căn nhà sàn đầu tiên hoàn thiện. Không thuê thiết kế, chị tự mày mò tìm hiểu mọi thứ, thuê người dân ở chính nơi này thi công và xây dựng. Hơn một năm sau, toàn bộ khu nhà thành hình, “lọt thỏm” giữa thung lũng bao quanh toàn núi rừng.
Khu nhà gồm 5 căn, gồm hai nhà sàn 3 gian, một căn nhà đá, một căn nhà gỗ cổ và một căn nhà sàn lớn, thêm khu bếp. Tất cả được thiết kế, xây dựng theo phong cách rustic (đồng quê), sử dụng nhiều đồ thô, mộc, tự nhiên, đều do chị Huyền lên ý tưởng, thiết kế, quy hoạch tổng thể và chọn nguyên vật liệu.
Chị tâm đắc nhất căn nhà đá rộng khoảng 30m2, dựa trên cảm hứng một nơi để làm việc, đọc sách và viết lách. Chị thuê người dân địa phương ra suối lựa chọn, nhặt từng viên đá vừa vặn, phù hợp để ghép vào mặt ngoài căn nhà. Đá sau đó rửa sạch, để khô, được người thợ tay nghề cao lựa chọn tỉ mẩn từng viên để ghép sao cho bám chắc và thẩm mỹ nhất.
“Căn nhà này rất kỳ công và tốn kém, song nhờ vậy ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè”, chị Huyền nói, “vẽ” ra khung cảnh căn nhà mái ngói âm dương, bên cạnh là cây hồng, bao quanh khu vườn tràn ngập sức sống.
Khu vườn rộng 1,5ha, gồm nhiều loại cây như hồng, mít, nhãn, vải, dâu, na,… Riêng vườn hồng đã có từ trước, khoảng 20 năm tuổi, chị Huyền yêu cầu thợ không được chặt mà xây nhà phải nương theo cây, dùng dây kéo những cành sát mái để cố định.
Đến mùa hồng, quả sai trĩu cành, “nhìn đâu cũng toàn quả hồng”. Năm ngoái, gia đình chị thu hoạch gần 2 tấn hồng, đem biếu, tặng bạn bè và người thân. Giống hồng trứng to, đẹp, chị còn dùng cắm bình.
Trong quá trình xây dựng, chị Huyền tiết lộ tiêu chí quan trọng nhất là giữ nguyên bản sắc vùng miền, kết hợp các nguyên vật liệu có sẵn như gỗ, đá. Chị gặp nhiều khó khăn, mất thời gian, do không am hiểu về kỹ thuật. Nhiều công đoạn làm xong phải tháo dỡ làm lại, nhưng may mắn khi thi công mái ngói âm dương đã kịp tìm ra phương án lót trần để tránh dỡ hết ngói cũ.
“Tôi muốn lưu giữ nhiều nhất những nét thôn quê mộc mạc, từ chum vại, sành sứ hay bếp củi, vườn rau, ao cá. Tất cả đều thân thương, gần gũi biết bao nhiêu, vẫn luôn đi theo tôi trên mọi hành trình. Đây cũng là cách tôi hồi tưởng về tuổi thơ sống bên gia đình”, bà mẹ Hà Nội tâm sự.
Trở về núi rừng, mọi áp lực đều tan biến
Từ ngày khu nhà hoàn thiện, chị Huyền đón mẹ về tận hưởng tuổi già bên cạnh thiên nhiên. Mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, chị cũng dẫn các con về tắm suối, bắt cá, ném bóng dưới nước, cùng nấu ăn và chuyện trò, cảm nhận được sự kết nối của những đứa trẻ với thiên nhiên.
“Đó có lẽ là những kỷ niệm mà sau này các con rất nhớ mỗi khi hè về. Và đó cũng là hạnh phúc của người mẹ khi làm được một nơi chốn cho các con trở về sống đúng với tuổi thơ, tránh xa công nghệ, điện thoại”, chị nói.
Mỗi sáng, tiếng chim hót líu lo, tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió và mùi của cỏ cây, hoa lá đánh thức gia đình chị Huyền. Khung cảnh dễ chịu và bình yên, như ôm ấp, vỗ về từng thành viên.
Lần đầu tiên trong đời, chị tự tay trồng rau, chăm sóc vườn, hái rau, hái ngô, nhặt trứng gà, câu cá, thu hoạch hoa quả… Mỗi lần mệt mỏi, chị ra vườn, hái một nắm lá, rồi đặt lên bếp củi đun một nồi nước xông nhẹ cả người, hương thơm của cỏ cây theo đó cũng bay khắp nhà.
“Là người yêu thiên nhiên, mỗi lần từ thành phố ồn ào trở về núi rừng, tôi cảm thấy mọi áp lực đều tan biến”, người phụ nữ chia sẻ.
Căn nhà giữa thung lũng cũng là nơi chị Huyền đón tiếp những người bạn, cùng họ trở về với thiên nhiên, có nơi nương náu cho tâm hồn sau những ngày bận rộn và mệt mỏi với cuộc sống thị thành.
“Và tôi thật sự rất biết ơn những sự đón nhận ấy của mọi người, đã giúp tôi vững tin hơn về những gì đã lựa chọn và dám làm”, chị tâm sự.
Ảnh: Nhân vật cung cấp