(Dân trí) – Chị Vân cho hay hợp tác xã chuyên doanh nông sản trên sàn điện tử do chị quản lý có thể kiếm khoảng 12 tỷ đồng/năm. Đây là mức doanh thu cao gấp nhiều gần so với lúc kinh doanh theo kiểu truyền thống.
Khi nông dân được chốt đơn “mỏi tay”
Chị Lương Thị Yến Vân là giám đốc hợp tác xã (HTX) chuyên trồng và bán nông sản tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Trên kênh Tiktok hơn 200.000 lượt theo dõi, chị thường đăng tải những đoạn clip thực tế về quá trình gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch hơn 150 loại rau củ quả.
Số lượng nông sản này đến từ trang trại của 7 thành viên, hơn 225 hộ nông dân liên kết với HTX, có tổng diện tích khoảng 30ha. Chị Vân và các thành viên của HTX cũng nhận được sự hỗ trợ từ địa phương, để tạo cơ hội cho việc kinh doanh của các hộ nông dân.
Dưới phần bình luận của các đoạn clip, khách hàng của chị Vân tỏ ra thích thú khi được tận mắt chứng kiến những loại nông sản ngay tại vườn. “Kể cả những khoảnh khắc đơn thuần nhất cũng thu hút được người xem. Từ đó, khách hàng sẽ thêm tin tưởng và biết đến thương hiệu nông sản của địa phương nhiều hơn”, chị Vân nói.
Theo nữ giám đốc, việc mở rộng kinh doanh theo phương thức mới không chỉ tạo ra doanh thu “không tưởng” cho nông dân, mà còn giúp tạo thêm nhiều việc làm cho địa phương.
“Từ tháng 9/2022, tôi đã tham khảo và đầu tư mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Sau hơn nửa năm xây dựng kênh bán hàng, hằng ngày HTX của chúng tôi cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau củ”, chị Vân chia sẻ.
Trước đây, chị và một số hộ nông dân chỉ bán theo kiểu truyền thông, chuyên bỏ sỉ cho các thương lái nên thường gặp tình trạng “được mùa mất giá”.
Nhận ra vấn đề, chị đã tham khảo mô hình kinh doanh trên mạng rồi tập tành làm theo. Thời gian đầu, chị gặp nhiều khó khăn do còn ngại ngùng trước ống kính, cách bán hàng còn gượng gạo, chưa chỉn chu.
Không những vậy, bán hàng trực tuyến gặp một số trở ngại trong quy trình vận chuyển, chỉ có thể kinh doanh rau củ chứ không thể bán rau. Sau một thời gian, chị Vân dần làm quen và càng thành thạo trong việc tư vấn, “chốt đơn” ngay trong phiên phát trực tiếp.
Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển cũng diễn ra suôn sẻ hơn khi chị học hỏi cách gói hàng, tính số ngày vận chuyển sao cho đến tay khách hàng vẫn giữ được chất lượng tốt nhất.
Trên phiên phát trực tiếp (livestream) ở kênh Tiktok gần 130.000 lượt theo dõi của mình, Bùi Văn Toản (22 tuổi, quê tại tỉnh Sơn La) bày các loại trái cây được cắt một nửa để khán giả thấy được độ mọng nước bên trong. Với nụ cười tươi, cùng giọng nói chân thành, các mặt hàng cứ thế “chốt đơn” liên tục.
Đỉnh điểm, có phiên livestream kéo dài 3 giờ, Toản kiếm được 200 triệu đồng, tương đương với 10 tấn mận được bán ra. Trung bình mỗi mùa thu hoạch, gia đình Toản có thể bán 40 tấn mận chỉ trong 1 tuần.
“Khi bán qua livestream, mận giữ được mức 19.000-20.000 đồng/kg. Nhiều người còn đặt mua với số lượng lớn, làm quà biếu đối tác, cấp trên hay người thân, bạn bè khiến cho hình ảnh về nông sản Việt trở nên rất sáng giá”, Toản bộc bạch.
Người Việt chi 14 tỷ USD mua hàng trực tuyến
Theo báo cáo dẫn số liệu của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD trong năm 2022, tăng 28% so với năm trước.
Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 31% và chạm mốc 49 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng kép mạnh mẽ trong khu vực ở giai đoạn 2025-2030, ở mức 19%.
Theo ước tính, có tới gần 60 triệu người Việt, tương đương gần 2/3 dân số, mua hàng online với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260-285 USD (khoảng 6,1-6,7 triệu đồng) trong năm 2022.
Trong số 23 tỷ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022 thì có tới 14 tỷ USD là từ lĩnh vực thương mại điện tử. Còn tới năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt mức 49 tỷ USD thì con số này ở lĩnh vực thương mại điện tử sẽ là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.
Theo Giám đốc nghiên cứu thị trường, Công ty Macromill Việt Nam Phạm Anh Tuấn, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm đến những trải nghiệm mua sắm hiện đại với nhiều tiện ích, chi phí hợp lý hơn. Hay có thể nói, người tiêu dùng ngày càng thông minh khi chủ động chọn lọc những sản phẩm để tối đa lợi ích.
“Dần dần, thị trường online (mua bán trực tuyến) sẽ chiếm lĩnh. Các tiểu thương bán trực tiếp tại cửa hàng sẽ thu hẹp quy mô và giảm bớt, chuyển dần sang mô hình online hoặc online-to-offline (thu hút khách đến cửa hàng thông qua kênh trực tuyến). Chỉ còn lại các chuỗi cửa hàng thời trang lớn sẽ dần chiếm lĩnh các mặt bằng”, vị chuyên gia nói.
Vị chuyên gia dự đoán, tình trạng này chắc chắn sẽ kéo dài do xu hướng người tiêu dùng dần chuyển đổi. Thực tế, người tiêu dùng luôn muốn mua sắm với giá tốt hơn, nhanh chóng được cập nhật xu hướng và các mẫu mã mới. Ngoài ra, họ cũng muốn có thêm nhiều ưu đãi, khuyến mãi và có người giao hàng đến tận nơi.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, anh Nguyễn Minh Đức cho biết, qua 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19, người tiêu dùng đã được “huấn luyện” và trở nên quen thuộc với việc mua hàng online. Nếu tình trạng kinh doanh online ngày càng phát triển, các tiểu thương buộc phải tìm cách thay đổi.
“Người mua nhận ra rằng thị trường này có nhiều ưu điểm như dễ chọn cửa hàng bán rẻ nhất; đa dạng kiểu mẫu để lựa chọn; chi phí giao hàng ngày càng rẻ; thời gian nhận hàng không quá lâu. Họ thậm chí có thể sẵn sàng chờ lâu hơn để chọn được món hàng ưng ý với giá rẻ nhất”, anh Đức nói.