Tôi thường xuyên nhận được thịt cá sạch từ quê gửi lên, nên đã dự trữ đầy ắp ngăn đông tủ lạnh, điều này có tốt? (Hà, 35 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là một biện pháp hữu hiệu để phòng tránh các nguy cơ ngộ độc. Hơn thế, nhiệt độ làm lạnh là một trong những yếu tố quan trọng để làm chậm sự phát triển của các vi khuẩn gây hại. Vì vậy, nhiều gia đình có thói quen dự trữ thịt và thực phẩm đầy ắp ngăn đông để tiện lợi, song điều này hoàn toàn không nên.
Về nguyên lý, không khí lạnh cần phải lưu thông xung quanh các thực phẩm để làm lạnh. Nếu các ngăn chứa chật kín sẽ chặn luồng lưu thông của không khí lạnh, dẫn tới hiệu quả bảo quản kém. Ngoài ra, dự trữ nhiều thực phẩm cũng có nguy cơ vi khuẩn lây nhiễm chéo. Vì vậy, bạn cần hạn chế tích trữ, đồng thời thường xuyên vệ sinh, loại bỏ các vết bẩn có trong tủ lạnh, đặc biệt là các chất lỏng từ thịt, nhằm ngăn chặn việc sản sinh mầm bệnh.
Tất cả thực phẩm khi mua về cần được sơ chế, loại bỏ các phần dư thừa, dập nát, rửa sạch sẽ và để ráo nước, bao gói cẩn thận bằng túi hoặc hộp đậy kín. Đồng thời, trong quá trình đóng gói, nên chia thực phẩm thành các phần nhỏ để bảo quản, phù hợp với khẩu phần từng bữa của gia đình mình, tránh việc bảo quản khối lượng lớn và phải rã đông nhiều lần.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo tủ lạnh nên giữ ở nhiệt độ dưới 4 độ C để đảm bảo hoạt động làm lạnh tốt, ngăn đông phải ở mức nhiệt là dưới -17,7 độ C. Nhìn chung, tất cả thực phẩm khi bảo quản trong một thời gian dài có thể diễn ra hiện tượng tự chuyển hóa các chất hoặc tự phân hủy, kết quả là hao hụt một số chất dinh dưỡng. Tốt nhất, bạn tránh dự trữ quá nhiều.
Chuyên gia dinh dưỡng Hải Yến
Viện Y học Ứng dụng Việt Nam