(Sandotot.shop) – Hợp đồng nhượng quyền là hình thức kinh doanh được bàn luận sôi nổi trong thời gian gần đây. Thực tế, các tập đoàn tỷ đô trên thế giới như nội thất JYSK đã áp dụng chiến lược này từ lâu.

Những bước đi đầu tiên và những chiến lược gần gũi

Bên cạnh IKEA, JYSK cũng là một thương hiệu nội thất nổi tiếng toàn cầu có nguồn gốc từ khu vực bán đảo Scandinavia, châu Âu.

Năm 1979 đánh dấu sự ra đời của thương hiệu khi nhà sáng lập Lars Larsen mở cửa hàng JYSK đầu tiên tại Aarhus, thành phố lớn thứ 2 của Đan Mạch.

Chỉ 5 năm sau khi thành lập, JYSK đã mở cửa hàng nhượng quyền đầu tiên ở thủ đô Nuuk, Greenland. Sự kiện này là cột mốc đầu tiên đánh dấu hành trình thâm nhập thị trường quốc tế của thương hiệu nội thất đến từ Đan Mạch.

Đến nay, hãng đã phát triển vượt ra ngoài phạm vi vùng quê Scandinavia và trở thành một tập đoàn quốc tế với hàng nghìn cửa hàng trên khắp thế giới.

Tôn chỉ hoạt động của JYSK được ảnh hưởng lớn từ những phẩm chất đáng trân trọng như sự đáng tin và trung thực của văn hóa, cố gắng gây dựng niềm tin và đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Công ty cũng tự hào rằng các kỹ sư lành nghề sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng, xứng đáng với số tiền người tiêu dùng bỏ ra. Với phương châm này, JYSK tin rằng họ sẽ xây dựng được tệp khách hàng trung thành lớn.

Trên hành trình thâm nhập thị trường quốc tế của mình, JYSK rất ưa chuộng hình thức hợp đồng nhượng quyền để dễ dàng phát triển và đến gần hơn với người tiêu dùng.

Gần gũi với khách hàng để mang lại sự thuận tiện và trải nghiệm mua sắm tốt nhất luôn là tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo JYSK. Điều này được công ty cụ thể hóa qua nhiều chiến dịch. Nổi bật là chiến dịch “Customers First” (Khách hàng là ưu tiên hàng đầu) thực hiện năm 2014.

Cách ông lớn nội thất Đan Mạch len lỏi vào từng quốc gia - 1

Những cửa hàng nhượng quyền đầu tiên của JYSK vẫn hoạt động cho đến ngày nay (Ảnh: GoJYSK).

Tuy nhiên, mới đây, JYSK đã phát triển “Customers First” thành chiến dịch “Seamless and Closer to the customer” (Trải nghiệm mượt mà và gần gũi hơn với khách hàng) và bắt đầu được triển khai từ năm 2019.

Theo ông Jan Bggh, giám đốc điều hành kiêm chủ tịch của JYSK, chiến dịch sẽ mang đến cho khách hàng một khoảng thời gian mua sắm hoàn hảo, không có một nút thắt nào tại JYSK, dù ở cửa hàng vật lý hay các nền tảng trực tuyến.

Trong khi đó, thông điệp “Gần gũi hơn với khách hàng” cũng đồng nghĩa rằng JYSK sẽ tiếp tục mở nhiều cửa hàng vật lý hơn nữa trong tương lai. Điều này nhằm giúp khách hàng thuận tiện tham quan mua sắm với nhiều ưu đãi và tối ưu hóa khâu giao nhận hàng.

Hiện tại, dù đã có hơn 3000 cửa hàng tại 48 quốc gia và nền tảng mua sắm trực tuyến phát triển, JYSK vẫn tiếp tục nỗ lực để có thể mở thêm 5.000 cửa hàng trên toàn thế giới.

Đồng thời, một trong 5 trụ cột của chiến dịch “Seamless and Closer to the Customer” là tăng cường quá trình mở rộng vượt ra bên ngoài châu Âu. Việc này giúp gia tăng sự hiện diện của công ty trên thị trường quốc tế và là động lực phát triển bền vững cho thương hiệu.

Đáng chú ý, trong 48 thị trường mà JYSK đã có mặt, có đến 20 quốc gia hoạt động trong hệ thống nhượng quyền của thương hiệu.

Hình thức này có nghĩa là bên nhận quyền sẽ được phép kinh doanh dưới thương hiệu của bên nhượng quyền, áp dụng tiêu chuẩn, chính sách, quy trình quản lý, tiếp thị… và sử dụng bí quyết kinh doanh của bên nhượng quyền.

Bên nhượng quyền sẽ có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và có quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền để đảm bảo tính nhất quán của hệ thống.

Không những vậy, nhượng quyền thương mại còn giúp hãng phát triển đồng bộ thương hiệu, tạo ra một hình ảnh thống nhất ở các cửa hàng, để khách hàng vào bất cứ cơ sở, cửa hàng nào trong hệ thống cũng đều cảm thấy thoải mái, hài lòng như nhau.

Như vậy, phương thức hoạt động và chất lượng hàng hóa, dịch vụ của JYSK sẽ được “nhập khẩu nguyên kiện” tại các quốc gia của bên nhận quyền. 

Bên nhận quyền không có quyền cải tạo, thay đổi các yếu tố liên quan đến quy trình kinh doanh của công ty. Điều này góp phần đảm bảo chất lượng, giá thành sản phẩm và hiệu quả tiếp cận với người tiêu dùng cho doanh nghiệp.

Vũ khí cạnh tranh với IKEA

Cùng có nguồn gốc từ vùng Scandinavia và cùng bắt đầu hành trình “ra biển lớn” kinh doanh quốc tế vào năm 1984, IKEA và JYSK có thể được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Do thừa hưởng các giá trị văn hóa chung của châu Âu, các thiết kế của 2 thương hiệu này có nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc. Những khách hàng đã từng ghé thăm các cửa hàng của JYSK chắc hẳn sẽ trải qua hiện tượng “dèjavu”, hiện tượng một người cảm thấy sự kiện hay vật trước mắt rất quen thuộc dù mới chỉ tiếp xúc lần đầu. Bởi người dùng dễ dàng cảm nhận được “nét IKEA” trong nhiều sản phẩm của thương hiệu JYSK.

Tuy nhiên, giá thành sản phẩm của JYSK thường rẻ hơn các thiết kế của IKEA. Từ góc nhìn của người tiêu dùng, nhiều người cho rằng chất lượng các mặt hàng của 2 hãng không có sự khác biệt.

Trong khi đó, những người khác cho rằng sản phẩm của JYSK kém chắc chắn hơn, mặc dù nguyên liệu đầu vào của 2 nhà thiết kế này đa phần đều đến từ Trung Quốc.

Cách ông lớn nội thất Đan Mạch len lỏi vào từng quốc gia - 2

Rất khó để nhận ra sự khác nhau giữa giá sách Billy của IKEA (bên trái) và giá sách Danny của JYSK (bên phải), nhưng việc giá của Danny rẻ hơn 15% so với Billy có vẻ hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng (Ảnh: IKEA và GoJYSK).

Ông Kristjansson, đại diện của JYSK khẳng định miễn là các hãng có thể đảm bảo chất lượng với mức giá của mình, JYSK và IKEA hoàn toàn có thể là “đôi bạn cùng tiến”.

Phía IKEA cũng bày tỏ sự vui vẻ khi cạnh tranh với JYSK. Thực tế, cạnh tranh cũng là một động lực thúc đẩy doanh nghiệp tạo ra lợi thế của riêng mình. Với IKEA, bà Madeleine Lowenborg Frick, đại diện của công ty cho rằng thương hiệu này sẽ đứng vững trên thị trường nhờ sự đa dạng của hơn 8500 sản phẩm.

Trong khi đó, với JYSK, công ty chủ trương cạnh tranh với đối thủ Thụy Điển dựa trên lợi thế về giá. Hợp đồng nhượng quyền chính là 1 chìa khóa để công ty thực hiện mục tiêu này.

Bằng hình thức nhượng quyền, JYSK vừa có thể tiết kiệm chi phí vận hành hệ thống so với các hình thức khác như đầu tư trực tiếp, vừa thu được các khoản phí từ hợp đồng nhượng quyền như phí nhượng quyền ban đầu, phí hàng tháng…

Ngoài ra, JYSK cũng thiết kế cửa hàng nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí vận hành. Diện tích cửa hàng của thương hiệu đến từ Đan Mạch nhỏ hơn khoảng 10 lần so với đối thủ Thụy Điển và không có các dịch vụ đi kèm như phục vụ đồ ăn cho khách hàng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *